Du lịch điền dã ở Bình Tân, Đồng Tháp
Xe dừng ngay bên quốc lộ. Ấn tượng đầu tiên với du khách là màu xanh của những rẫy bắp cải. Chỗ này bắp cải mới nhú lá non, mơn mởn, chỗ nọ cây già khoe những chiếc bắp. Vào đợt thu hoạch, những người nông dân dùng dao hoặc lưỡi hái, nhanh tay cắt tỉa những chiếc bắp cải nặng trĩu tay cầm. Hành lá được trồng nhiều tại ấp Tân Phước, xã Tân Bình, huyện Bình Tân. Hai bên đường mút mắt màu xanh của những rẫy hành lá liên tiếp nhau chạy dài. Nơi đây, bà con trồng hai giống hành lá phổ biến: hành gốc tím (hành sây) và gốc trắng (hành hương).
Khách lội vào rẫy, tìm hiểu công việc trồng hành: với chiếc nọc cấy trên tay, người nông dân xom mạnh xuống liếp phủ lớp rơm mỏng, rồi nhét tép hành gốc vào... Trong phút chốc đã có được một liếp hành ngay hàng thẳng lối. Bà con dùng những chiếc bình bông sen tỏa lớp nước mỏng mịn tưới trên từng liếp hành, hoặc phun bằng vòi nước máy ngày hai lượt sáng và chiều. Sau 60 ngày trồng, cảnh thu hoạch hành lá cũng rộn rịp không kém. Hành lá của ấp Tân Phước được thương lái thu mua, đưa bán tại Tiền Giang, TP Cần Thơ, TPHCM..., xuất khẩu sang Nhật.
Bên rẫy hành lá là những rẫy mè. Kế đó là ruộng bắp xanh dài mút mắt. Những cây bắp mập mạp khỏe khoe trái như mời gọi khách phương xa thưởng thức vị ngọt bắp non đầu mùa.
Nhộn nhịp nhất là vào mùa thu hoạch dưa hấu. Từ ruộng, người hái dưa chuyển vào cần xé cho một người khác vác ra đầu lộ. Tại đây, một hàng dài người nối tiếp nhau chuyền cần xé xuống ghe đậu bên bờ kinh. Tiếng nói cười, trò chuyện rôm rả, râm ran cả một đoạn đường.
Đi thêm vài km nữa, khách sẽ tới “vương quốc” khoai lang nằm trên con lộ nhựa mới hoàn thành nối quốc lộ 54 ra quốc lộ 1A. Ngoài giống nội địa, nơi đây còn trồng giống khoai lang Nhật. Vào thời điểm thu hoạch khoai lang, xóm làng thật rôm rả. Người ta chuyển khoai xuống bến sông – nơi nhiều chiếc ghe nối đuôi nhau hối hả “ăn” hàng đưa củ khoai lên TPHCM trước khi “hồi cố hương” là nước Nhật. Cảnh “ăn” khoai rộn rịp như ngày hội sông nước. Những đọt khoai mơn mởn khiến bạn liên tưởng tới bữa cơm gia đình ấm áp: Đọt lang ăn sống hoặc luộc chấm nước cá hoặc thịt kho, sao mà ngon quá, đọt lang trộn gỏi với thịt ba rọi, tôm luộc còn gì phải nói. Đây là loại rau dân dã vừa ngon vừa mát.
Còn nữa, không ít du khách săm soi những giàn mướp, giàn bầu, giàn bí... xanh mượt bên bờ mương, xòe những chiếc bông vàng rực màu nắng ban mai cùng những trái lủng lẳng buông xuống gần mặt nước. Bên những giàn mướp xinh xinh có những thiếu nữ mặc áo bà ba đang hái trái. Bàn tay họ dịu dàng, uyển chuyển, hái trái như múa. Nếu muốn du khách sẽ được “tháp tùng” cùng họ thu hoạch trái trên chiếc xuồng ba lá con con len theo những dòng mương nhỏ. Nhìn những trái mướp no tròn tươi nguyên, bạn thèm thuồng nghĩ đến tô canh mướp hương thơm lừng bốc hơi nghi ngút đậm chất dân dã và rất “sướng miệng”.
Đối với khách du lịch, hấp dẫn nhất trên “con đường rau màu” này là tham gia cùng bà con săn bắt chuột đồng. Đến đây đúng dịp sáng sớm hoặc xế chiều, bạn sẽ được mời tham dự cuộc “săn” cho vui. “Vũ khí” săn chuột khá đa dạng, ngoài bẫy, rập, chất chà, họ còn dùng chĩa. Chĩa là thanh sắt, một đầu nhọn, đầu kia gắn chặt vào cây tre hoặc cây tầm vông dài khoảng 4-5m. Dẫn đầu đoàn săn là mấy con chó “trinh sát”. Khi đánh hơi chuột, chúng áp đảo tinh thần khiến lũ chuột co rút mình lại chờ bị mũi chĩa ghim bắt. Nếu gặp lúc chuột “tràn đồng”, người ta còn tổ chức chất chà bắt chuột. Dùng một số lớn nhánh cây khô buộc thành bó, chất quanh gốc dừa, bụi chuối, bờ kinh, những nơi chuột thường qua lại. Mấy ngày sau bao lưới quanh đống chà thu hoạch chuột. Bắt chuột không chỉ là bảo vệ rau màu, người ta còn được hưởng cái thú thưởng thức thịt “gà đồng” ngọt béo với ly rượu đế sủi tăm ngọt lừ mặt lưỡi cùng bè bạn.
Bình Tân - đang có triển vọng trở thành điểm du lịch “home stay” lý tưởng – không chỉ cho khách Tây mà cho cả những người thị thành thích “ta ba lô” bụi bặm. Những trải nghiệm thú vị ở miền quê này giúp “người thành thị” thoát ra khỏi “xì trét” của nếp sống công nghiệp bon chen và thêm yêu những nẻo đường đất nước.