Hành trang lữ khách

Về miền “công tử Bạc Liêu”

Cập nhật: 27/05/2009 14:37:23
Số lần đọc: 3776
Đến Bạc Liêu, người ta biết đến vùng lúa trù phú, với những cánh đồng muối trắng ven biển, những vườn nhãn xum xuê, cây xanh, trái ngọt nối dài... Và, riêng với du khách gần xa, vừa được ngắm cảnh sắc nơi đây, vừa nghe những câu chuyện về đất và người, về giai thoại “công tử Bạc Liêu” thì đúng là cái tai chỉ muốn nghe và cái chân không muốn rời bước. 

Bạc Liêu là một  tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây Bắc giáp Kiên Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Cà Mau, phía Đông và Đông Nam giáp biển. Bạc Liêu có diện tích tự nhiên trên 2 nghìn rưỡi km² và dân số (năm 2004) là khoảng gần 8 trăm nghìn người. Nếu so với 64 tỉnh, thành phố trong cả nước, thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số. Trên địa bàn tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Kinh, người Kh,mer và người Hoa; các dân tộc còn lại, mỗi dân tộc chỉ có dưới 100 người, thậm chí chỉ có trên dưới một chục người.

 

Thời nhà Nguyễn, thế kỷ XVIII, Bạc Liêu thuộc phủ Bãi Xâu, tỉnh An Giang.  Bạc Liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam Kỳ khác và có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp. Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh, mà đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng rất thú vị.

 

Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng  ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Nơi đây có nhiều  rạch lớn như kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng.

 

Đất đai của Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Đất có khả năng trồng lúa, cây hàng năm, cây lâu năm chiếm 83,58% tổng diện tích đất; đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối chiếm 13,49%. Diện tích rừng và đất rừng chiếm khoảng 2% diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ. Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn, úng phèn có năng suất sinh học cao, có giá trị lớn về phòng hộ và môi trường, chủ yếu là cây tràm, cây đước.

 

Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km. Dưới lòng biển sâu có nhiều loại hải sản có trữ lượng và giá trị cao như: tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim... Trữ lượng cá đáy và cá nổi khoảng 800.000 tấn, có thể trở thành nơi xuất, nhập khẩu trực tiếp.

 

Với những lợi thế về thiên nhiên, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, bao gồm: đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ tổng hợp, du lịch và giao thông. Bạc Liêu đã có những chính sách đầu tư tín dụng ưu đãi góp phần nâng dần phương tiện khai thác biển với công suất lớn để thực hiện việc đánh bắt xa bờ, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy chế biến thủy sản với những thiết bị và công nghệ tiên tiến theo hướng xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nghề biển mà trước tiên là xây dựng cảng cá Gành Hào, một cảng cá có vị trí thuận lợi không chỉ đối với nghề biển Bạc Liêu mà còn đối với cả nước.

 

Du khách về thăm Bạc Liêu, dù có ít thời gian cũng cố tìm mọi cách đến ăn một bữa cơm hoặc uống một ly cà phê ở khuôn viên nhà công tử Bạc Liêu. Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất ở Bạc Liêu lúc bấy giờ, do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng. Nằm trong khuôn viên rộng rãi bên bờ sông Bạc Liêu, ngôi biệt thự cực kỳ đẹp và sang trọng. Đến đây, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên và lấy làm thích thú trước một lối kiến trúc cổ kính pha chút màu sắc hiện đại. Phía trước ngôi nhà là con đường sạch bóng, kế đến là một vỉa hè rộng thênh thang nằm cạnh con sông Bạc Liêu nên thoáng đãng vô cùng. Chỉ cần đặt chân đến đây, mọi cảm giác mệt nhọc sẽ tiêu tan. Vào đến trong nhà, ngạc nhiên hơn nữa là cách bài trí vô cùng lạ mắt của ngày xưa. Dưới tầng một, ngoài bộ bàn tiếp khách xưa, còn có ảnh của công tử Bạc Liêu, tượng vợ chồng Trần Trinh Trạch (cha mẹ công tử Bạc Liêu), bình gốm, tủ thờ... Bên cạnh đó, là những giai thoại nức tiếng của công tử Bạc Liêu ngày xưa. Mặc dù tốc độ đô thị hóa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá nhanh, nhưng Bạc Liêu vẫn là một trong những tỉnh còn lưu lại nhiều nét xưa nhất. Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu đã góp phần giữ gìn, tôn tạo thêm các nét xưa đó bằng cách đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.

 

Bạn cũng có thể đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên để chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ đá độc đáo duy nhất ở Bạc Liêu. Chiếc đồng hồ này do kỹ sư Lưu Văn Lang xây bằng gạch Tàu và xi-măng, có chiều cao khoảng 1 m, rộng 0,8 m, gồm ba phần: Một phần được xây theo hình chữ nhật ở giữa, nhô ra phía trước, hai phần hai bên xây theo hình vuông, cũng bằng gạch tàu, trên đó có khắc 6 chữ số La Mã, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật sẽ tạo ra một vệt sáng, tối. Con số nào nằm trong lằn ranh giữa vệt sáng và tối đó chính là số giờ.

 

Trên con đường mang tên Cao Văn Lầu hướng ra biển, du khách sẽ viếng thăm ngôi mộ của vợ chồng cố soạn giả Cao Văn Lầu - tác giả bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Sau đó, lần theo con đường Cao Văn Lầu, cách trung tâm thị xã Bạc Liêu khoảng 6 km, thăm vườn chim Bạc Liêu, nơi còn mang đậm dấu ấn thiên nhiên hoang dã cùng những cánh rừng hoang sơ hòa quyện nhau, tạo nên bức tranh sinh động của một Bạc Liêu trù phú. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có một loài chim được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ, 109 loài thực vật, 150 loài động vật cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.

 

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu cũng là một khám phá thú vị đối với du khách. Vườn nhãn rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11 km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Nằm trên vùng đất được phù sa bồi đắp nên vườn nhãn ở đây hết sức xum xuê, xanh tốt với những trái nhãn thơm lừng, mọng nước. Đi trên con lộ dọc vườn nhãn đầy màu xanh và thoang thoảng mùi nhãn chín, bạn sẽ thực sự đắm chìm trong cảm giác thư thái và sảng khoái. Nếu lưu trú trong những ngôi biệt thự hoặc hàng quán với nhiều chiếc võng xinh xắn ẩn mình trong những vườn nhãn xanh bát ngát hòa cùng cơn gió phóng khoáng từ biển, bạn sẽ cảm thấy mình lâng lâng trong cảm giác ngọt ngào, yên bình và lãng mạn. Hơn thế nữa, du khách được thưởng thức bánh xèo A mật tại vườn nhãn, vừa ăn bánh vừa nghe các ca sĩ đổ câu vọng cổ nổi tiếng “từ là từ phu tướng...” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu thì còn gì bằng!

 

Đến Bạc Liêu, du khách cũng sẽ có dịp chiêm ngưỡng di tích Phước Đức là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, thờ vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành. Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật qui mô và hoàn mỹ được chạm khắc tinh tế. Các tác phẩm nghệ thuật ấy đã được các nghệ nhân liên kết với nhau một cách hài hòa và chặt chẽ tạo thành một kiến trúc độc đáo vô song. Ngoài ra, còn có những công trình kiến trúc độc đáo khác như: tháp cổ Vĩnh Hưng, chùa Xiêm Cán, chùa Quan Đế... Tham dự các lễ hội cổ truyền như Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok om bok (trông trăng) của người Khơmer... Du khách có thể về nông thôn du lịch các làng nghề truyền thống tại huyện Phước Long và Hồn Dân như làng nghề đan lát, dệt chiếu, nghề trầm nón... và không quên thưởng thức món bánh tầm bì hay bún bì ở Ngan Dừa Hồng Dân.

 

Chính tính cách phóng khoáng, “chịu chơi” này mà nhiều người Bạc Liêu mê cái “ngón” đờn ca tài tử, đặc sản văn hóa phi vật thể của người xứ Nam Bộ nói chung và của đất Bạc Liêu nói riêng. Họ đam mê theo kiểu di truyền từ đời ông sang đời cha, từ đời cha sang đời con. Hát để nghe chơi nên không ai câu nệ giá trị những giải thưởng từ những liên hoan, hội thi... Từ việc hát ở nông thôn trong những bữa tiệc quê, đờn ca tài tử hiện đã được liệt kê vào danh sách công nhận di sản văn hóa phi vật thể của Bạc Liêu.

 

Người Bạc Liêu có tính thẳng thắn, nhiệt tình, hiếu khách. Trong nói năng, không đôi co dài dòng, không “văn hoa mỹ tự”, mà chủ yếu là tinh thông nghĩa lý, muốn nói gì thì nói thẳng. Không gian đất rộng, người thưa nên cũng hình thành phong cách “ăn to nói lớn”, nói năng thật rõ, thật to để cho người nghe hiểu thông ý mình. Những thành ngữ, ca dao, điệu hò Bạc Liêu: “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi, qua khúc sông này bờ bụi tối tăm”... là những chứng minh xác thực nhất về tính cách trượng phu hảo hán. Cá tính, nhiệt tình, thật thà, chất phác còn được thể hiện khá rõ nét trong suy nghĩ cũng như trong sinh hoạt hàng ngày đối với người Kh,mer ở Bạc Liêu. Họ nói năng ý tứ, ngắn gọn, đơn giản. Trong lao động rất nhiệt tình, có ưu thế trong lao động trực tiếp, thường làm việc quần quật để lo kinh tế cho gia đình và luôn có ý thức trách nhiệm cao để đóng góp cho cộng đồng. Nhà cửa của họ có thể là nhà tranh lợp lá lụp xụp, nhưng ngôi chùa phải được cộng đồng góp công, góp của xây dựng lộng lẫy, uy nghi, điển hình là chùa Xiêm Cán (Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu), chùa Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Người và cảnh vật ở Bạc Liêu đã để lại những đặc điểm khó lẫn với những vùng, miền khác. Những tính cách ấy được hun đúc gìn giữ từ đời này qua đời khác qua nhiều thế hệ. Ngày nay, tính cách Bạc Liêu vẫn được giữ gìn và phát huy. Cùng với những danh lam thắng cảnh thu hút du khách, chính những con người Bạc Liêu hiếu khách, hào hiệp nghĩa khí và phóng khoáng này đã giữ được chân bạn bè mình ở lại lâu hơn.

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục