Ngọt ngào bánh thốt nốt, An Giang
Thốt nốt được trồng nhiều nhất là ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn (Bảy Núi, An Giang) và khu vực Hà Tiên (Kiên Giang). Ngoài việc cho đường, cơm thốt nốt có mùi thơm mít chín, còn được đồng bào vùng Bảy Núi chế biến thành bột làm ra một số loại bánh, phổ biến nhất là bánh bò hoặc nấu chè và bánh thốt nốt.
Bánh thốt nốt được làm từ nước thốt nốt, trái thốt nốt và gạo Nàng Nhen- loại gạo đặc chủng chỉ canh tác được ở vùng Bảy Núi. Để làm bánh, người ta lấy gạo xay thành bột, ủ một đêm cho lên men, hoặc gạo xay xong, đem phơi khô và cất trong vòng một năm, mới cho thứ bánh không mềm nhão và ngon giòn. Lấy bột trộn với cơm thốt nốt (lựa cơm dày) và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối theo hình chữ nhật, xong đem hấp. Chừng tiếng đồng hồ, theo hơi nóng bốc ra từ nắp xửng là mùi thơm ngào ngạt lan tỏa. Mở gói lá ra, bánh thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt. Người ta còn làm bánh theo cách khác: Trái thốt nốt già chà vào rổ lấy bột, trộn với gạo, chút dừa nạo rồi gói trong tấm lá chuối (hoặc lá dừa, lá thốt nốt) đem hấp.
Nguồn: An Giang