Tin tức - Sự kiện

Những điểm mới của Lễ hội “Quảng Nam- Hành trình di sản” 4

Cập nhật: 28/05/2009 08:05:35
Số lần đọc: 1732
Từ ngày 4 đến ngày 7-6, lễ hội “Quảng Nam-Hành trình di sản lần thứ 4 năm 2009” sẽ khai mạc với những chương trình nghệ thuật độc đáo tại khu đền tháp Mỹ Sơn; những hoạt động ngoài trời trên các tuyến phố cổ Hội An cùng sắc màu, vốn văn hóa dân gian truyền thống của Quảng Nam… Lễ hội lần này được tổ chức tại các địa điểm chính là khu di tích Mỹ Sơn, Điện Bàn và Thành phố  Hội An.

 

* Lễ hội Quảng Nam- Hành trình di sản lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003, nhằm tập trung giới thiệu tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của địa phương.

 

* Đến Lễ hội lần thứ 2- năm 2005, nét chủ đạo là văn hóa các vùng miền, trong đó nét chính là văn hóa dân gian.

 

* Năm 2007, Hành trình di sản có chủ đề “Hội ngộ văn hóa Đông Dương”, là dịp giao lưu giữa ba nền văn hóa: Việt Nam- Lào-Cam-pu-chia.

 

 

Năm nay, kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới, lễ hội lần này mang chủ đề “Ấn tượng một chặng đường” nhằm nêu bật những thành tựu trong công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị văn hóa quý báu của Quảng Nam với đêm khai mạc là nét nghệ thuật độc đáo bằng việc thể hiện một sân khấu sử dụng nét huyền ảo, kỳ vĩ của khu đền tháp.

 

Đồng chí Trịnh Sơn Hải, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Duy Xuyên cho biết: “Chương trình sân khấu chúng tôi làm không phải là sân khấu mà chỉ dựa vào đền tháp để giới thiệu những nét chính của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng công tác biểu diễn, khoảng 50% diễn viên chuyên nghiệp và 50% diễn viên quần chúng để thể hiện khả năng, công sức của nhân dân Quảng Nam trong thời gian qua…”

 

Trong những ngày lễ hội, còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc như: giao lưu văn hóa ẩm thực Việt-Lào-Chăm, giới thiệu hình ảnh chặng đường phát triển của Duy Xuyên, tham quan các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: trồng dâu nuôi tằm-ươm tơ dệt lụa, đúc đồng Phước Kiều…

 

Tại TP Hội An, nét nổi bật năm nay chính là những hoạt động ngoài trời trên các tuyến phố cổ như: trình diễn xe cổ, triển lãm ảnh, trưng bày sản phẩm truyền thống của Quảng Nam, liên hoan Mỹ thuật “Họa sỹ và phố cổ Hội An”, trưng bày Gốm Chu Đậu; dạy viết thư pháp, võ thuật, nặn tò he, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài…Cũng trong dịp này sẽ khởi công xây dựng cầu Cửa Đại nối liền hai bờ sông Thu Bồn, cây cầu dài 1400 m, với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.

 

Đồng chí Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hội An cho biết: “Bởi vì nó mang tên là Hành trình Di sản Quảng Nam cho nên cũng phải giới thiệu sắc màu, vốn văn hóa dân gian truyền thống của Quảng Nam. Chương trình bế mạc nói lên một sự kiện rất đặc biêt của Hội An và Duy Xuyên, đó là chiếc cầu Cửa Đại nối liền Duy Xuyên và Hội An, thể hiện khát vọng của nhân dân nối hai bờ”.

 

Tại huyện Điện Bàn cũng diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, là cầu nối giữa Hội An và Duy Xuyên bằng các làng nghề truyền thống. Ngành du lịch Quảng Nam đã có nhiều chính sách khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách như: giảm giá tour, phòng khách sạn, miễn phí vé tham quan và vé vận chuyển đến các địa điểm lễ hội. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là phải tự làm mới bằng những chương trình nghệ thuật đặc sắc, tạo nét khác biệt so với các lễ hội khác.

 

Đồng chí Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: “Muốn làm đổi mới toàn diện lễ hội, mục tiêu là mà làm sống lại các lễ hội dân gian. Nếu trước đây chúng ta không làm thì sẽ không có đêm rằm phố cổ. Nếu không có đêm Mỹ Sơn huyền ảo sẽ không bao giờ có được lễ hội Bà Thu Bồn được sống lại. Chúng tôi đang hướng đến những nội dung của Lễ hội hành trình di sản sẽ làm sống lại các lễ hội dân gian vốn có, và hy vọng với sự đầu tư bài bản sẽ vừa khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo thành sản phẩm du lịch có người dân tham gia”.

 

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT