Hoạt động của ngành

Du Lịch Tuyên Quang - Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Cập nhật: 01/06/2009 14:06:17
Số lần đọc: 2363
Những năm gần đầy, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế du lịch. Để tạo đà cho phát triển du lịch bền vững, nhiệm vụ đầu tiên là thực hiện quy hoạch, trong đó bảo đảm yếu tố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, đạt được sự tăng trưởng cao, ổn định trong thời gian dài .

 

Dựa trên những cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện quy hoạch các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch lịch sử, văn hoá, sinh thái Tân Trào; Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Nà Hang; Các điểm du lịch thác Bản Ba, Động Tiên... Cùng với đó là định hình các làng văn hoá du lịch để phát huy một cách tích cực các giá trị tiềm năng về khoa học, lịch sử, văn hoá và các giá trị truyền thống đặc trưng của địa phương.

 

Để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, các cấp, ngành chức năng đã có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh. Đặc biệt là quan tâm đến vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, bưu chính viễn thông, xây dựng hệ thống thu gom chất thải rắn, bãi đỗ xe công cộng, trồng cây xanh, hình thành các tuyến du lịch, xây dựng các khu dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí.


Với tầm nhìn quy hoạch đến năm 2020, dọc hai bên bờ sông Lô (địa phận phường Nông Tiến, phường Hưng Thành - thị xã Tuyên Quang) hình thành các khu biệt thự nhà vườn, khu biệt thự cao tầng và các khu vui chơi giải trí. Đây sẽ là khu du lịch sầm uất tận dụng được những cảnh quan đẹp nhất của hai bên bờ sông Lô, tạo cho thị xã mang dáng dấp của một thành phố bên sông sơn thủy hữu tình.


Cùng với việc xây dựng hình thành các khu du lịch mới, tỉnh quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hoá của địa phương. Với hệ thống đền, chùa cổ kính và những lễ hội đặc sắc của các dân tộc như: Lễ hội Lồng tông, Lễ hội Cầu mùa, Lễ hội đình Giếng Tanh, Lễ hội chùa Hang... mang đậm dấu ấn văn hoá của cư dân địa phương sẽ góp phần làm nên những diện mạo, sắc thái riêng của du lịch Tuyên Quang.

Hiện nay, ngành du lịch đã khảo sát và đang hình thành các tuyến, điểm du lịch, trong đó có các tuyến thị xã Tuyên Quang - Bình Ca - Tân Trào - Kim Quan; tuyến thị xã Tuyên Quang - Chiêm Hoá - Nà Hang - Hàm Yên; tuyến thị xã Tuyên Quang - Đá Bàn. Cùng với đó thu hút các nhà đầu tư phát triển các công ty du lịch, công ty lữ hành, phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng nghề như làm chổi chít, mây giang đan ở phường Ỷ La (thị xã Tuyên Quang), dệt thổ cẩm Tân Trào (Sơn Dương); rượu ngô Nà Hang, gạo thơm Minh Hương, thịt trâu khô, cam sành Hàm Yên... Đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, hình thành cung cách phục vụ chuyên nghiệp từ mỗi người dân, tạo ấn tượng hấp dẫn du khách. 

 

 

Nguồn: Báo tuyên Quang

Cùng chuyên mục