Tin tức - Sự kiện

Thừa Thiên Huế - Phục dựng tháp Chăm hơn 1.000 năm tuổi

Cập nhật: 01/06/2009 14:06:15
Số lần đọc: 1557
Viện Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Xây dựng đã giúp trùng tu và phục dựng thành công di tích tháp Chăm Phú Diên-Mỹ Khánh (Thừa Thiên-Huế), có tuổi thọ trên 1.000 năm nằm sâu trong lòng cát, nhờ ứng dụng hai phương pháp ứng lực kích nâng và kích đẩy.

Tháp Phú Diên-Mỹ Khánh được phát hiện năm 2001 trong lòng cồn cát ven biển thuộc thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Với niên đại khoảng thế kỷ thứ 8, đây là một trong những tháp Chăm cổ nhất Việt Nam, và là tháp còn nguyên vẹn nhất được phát hiện ở khu vực bắc đèo Hải Vân. Đây cũng là ngôi tháp nằm gần bờ biển nhất hiện còn tồn tại.

Đặc biệt, tháp này trước đó chưa có bất kỳ một tài liệu, nghiên cứu hay truyền thuyết nào nói đến.

Tháp, có tải trọng hơn 60 tấn, đã bị nghiêng, lún sâu 0,8m, nứt gãy, thân tháp lại bị mục mủn do bị nước mặn bào mòn. Đứng trước tình trạng này, kỹ sư Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, đã đề xuất lựa chọn phương pháp kích nâng để nâng toàn bộ tháp về vị trí cân bằng và xử lý gia cường bề mặt tháp.

Để tạo tính ổn định cho thân tháp trong quá trình kích nâng, đáy tháp được gia cường thêm 1 lớp bê tông cốt thép dày 8-10cm. Đơn vị thi công còn sử dụng một số loại hóa chất bảo quản gia cường bề mặt thân tháp để chống rời rạc, mủn mục, chống ẩm và chống bị ăn mòn.

Ưu điểm của phương pháp ứng lực kích nâng và kích đẩy để phục dựng tháp là vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo tính nguyên trạng, ổn định và bền vững của công trình.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT