Tin tức - Sự kiện

Nhiều bất ngờ tại giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng năm 2009

Cập nhật: 02/06/2009 10:06:54
Số lần đọc: 1760
Giải đua ngựa truyền thống là hoạt động thường niên của huyện Bắc Hà tổ chức để hưởng ứng Chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ. Bên cạnh những lợi thế về du lịch khác của Bắc Hà như cảnh quan hoang sơ, mận tam hoa, chợ phiên Bắc Hà, các bản dân tộc… giải đua ngựa là điểm nhấn trong hoạt động du lịch của huyện Bắc Hà để thu hút khách du lịch.

 Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng năm 2009 có nhiều diễn biến không có trong kế hoạch của Ban tổ chức (BTC)

 

Bất ngờ từ đầu…

Chỉ 61 con tuấn mã cùng 61 kỵ sĩ áo vàng tới từ các xã của huyện Bắc Hà và huyện Simacai (Lào Cai) tham gia tranh tài tại giải đua thay vì 100 ngựa và 100 kỵ sĩ tham gia đua đến từ 6 tỉnh Tây Bắc như dự tính của BTC. Do việc vận chuyển ngựa quá khó khăn và tốn kém, các tỉnh bạn đã không thể mang ngựa tới tham gia theo lời mời của BTC.

Mưa liên tục khiến sân vận động trung tâm Bắc Hà lầy lội và nhiều người e rằng giải đua sẽ không diễn ra được, sẽ ít người tham gia cổ vũ vì điều kiện thời tiết quá xấu. Những ngày này, đang là cuối tuần, thị trấn Bắc Hà tràn ngập khách du lịch và người ở thành phố Lào Cai và các tỉnh lân cận đến xem đua ngựa. Chưa phải là chợ phiên Bắc Hà (ngày chủ nhật) nên ngày đua ngựa (thứ 7) vắng bóng bà con người dân tộc sống ở các xã xung quanh thị trấn Bắc Hà đến xem đua.

May thay, đến đúng sáng ngày 30.5 (ngày giải đấu khai mạc) thì trời hửng nắng. Giờ khai mạc có chậm lại so với dự kiến nhưng giải đấu vẫn thu hút hàng nghìn người dân và khách du lịch trong nước, quốc tế tới cổ vũ.

Ông Vũ Xuân Cường- Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: “Giải đua ngựa truyền thống là hoạt động thường niên của huyện Bắc Hà tổ chức để hưởng ứng Chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh: Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ. Bên cạnh những lợi thế về du lịch khác của Bắc Hà như cảnh quan hoang sơ, mận tam hoa, chợ phiên Bắc Hà, các bản dân tộc… giải đua ngựa là điểm nhấn trong hoạt động du lịch của huyện Bắc Hà để thu hút khách du lịch”

Vì không phải là ngựa đua chuyên nghiệp mà chủ yếu là ngựa thồ hàng, leo núi và lao động cùng bà con dân tộc nên những chú ngựa đua trong giải này nhiều lúc không quen đường đua, không nghe lời nài ngựa (người điều khiển ngựa), thời gian tập luyện ở sân lại ít nên giải đã có rất nhiều chuyện bất ngờ.

Trước cuộc đua, 61 ngựa đua và 100 ngựa khác đã trình diễn một chương trình diễu hành hoành tráng. 61 chú ngựa đua được chia làm 12 lượt thi đấu loại trực tiếp (mỗi lượt 5 ngựa), 12 chiến mã và kỵ sĩ đạt thành tích cao nhất tiếp tục vào vòng bán kết để chọn ra 3 kỵ sĩ xuất sắc nhất thi đấu vòng chung kết.

Nhiều kỵ sĩ buộc phải bỏ cuộc do ngựa chạy phạm quy: ngựa chạy ra ngoài đường đua (nhất là những đoạn đường cua), chạy vào sân cỏ hoặc lao vào chỗ khán giả, chạy hết vòng đầu, ngựa trở về vị trí xuất phát và không chịu chạy nữa; hầu hết các kỵ mã cưỡi ngựa không yên, không đi giày mà đi dép tổ ong nên không giữ được thăng bằng, 1 vài kỵ sĩ bị ngã văng ra khỏi mình ngựa, bị kéo đi 1 đoạn dài…

Một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại giải đua là phóng viên Quốc Hồng (phóng viên báo Nhân dân thường trú tại Lào Cai), trong khi tác nghiệp trên sân đã bị một chú ngựa bất kham bẻ cua đang từ đường đua, lao vào trong sân, đá vào người khiến phóng viên này nằm vật ra tại chỗ. Ngay sau đó các nhân viên y tế đã sơ cứu và xe cứu thương chuyển phóng viên Quốc Hồng vào bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà với 3 xương sườn bị gãy.

Tôi, người viết bài này, khi đang trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Lào Cai trên sân cỏ cũng làm mọi người hú vía khi không để ý 1 con ngựa đua chạy cắt sân. Roberto- một khách du lịch người Ý đã nhanh tay đẩy tôi chạy 1 đoạn khá xa, vừa lúc chú ngựa khó bảo chạy qua chỗ tôi vừa… đứng.

 

Bất ngờ đến cuối giải

Lượt đua chung kết (2 vòng sân) có 3 tuấn mã của các kỵ sĩ mang số: 27, 72 và 79. Về nước chạy và dáng ngựa thì tuấn mã của kỵ sĩ Ly Sùng Pao số 79 (huyện Simacai) được đánh giá là đẹp nhất, có khả năng vô địch. Tuy nhiên, kết thúc vòng 1, ngựa của kỵ sĩ Thào Seo Lềnh số 72 (xã Tả Van Chư- Bắc Hà) lại dẫn đầu với đường chạy cực kỳ phóng khoáng. Về thứ ba vòng 1 là ngựa của Vàng Văn Thức số 27 (xã Na Hối- Bắc Hà). Mỗi ngựa cách nhau 1 khoảng 5m.

Về đến vạch xuất phát để bắt đầu vòng đua thứ hai, ngựa số 72 không vào cua được, lao ngay vào khu vực khán giả. Ngựa số 79 cũng mất lái, bỏ cuộc. Nài ngựa Vàng Văn Thức và ngựa số 27 đã bật ra những nỗ lực cuối cùng, về đích đầu tiên trong tiếng hò reo và ngạc nhiên không ngớt của người xem. Ngựa số 72 tiếp tục gượng dậy đua và về nhì.

Ở giải đua năm trước, Vàng Văn Thức cũng tham gia đua nhưng không được giải vì ngựa của anh cũng không nghe lời chủ, bỏ cuộc giữa chừng. Rút kinh nghiệm, năm nay Thức chọn ngựa rất cẩn thận và tập luyện nhiều lần trên sân.

Vàng Văn Thức cùng con tuấn mã số 27 đoạt giải nhất với phần thưởng cao nhất là vòng nguyệt quế và 10 triệu đồng tiền thưởng. Số tiền này bằng đúng số tiền Thức mua con ngựa đua 27 vừa đoạt giải của chú ruột mình. Giải Nhì cho kỵ mã Thào Seo Lềnh, ngựa số 72 ở xã Tả Van Chư, 5 triệu tiền thưởng; giải Ba cho kỵ mã Ly Sùng Pao, ngựa số 79 ở huyện Simacai, 3 triệu tiền thưởng.

BTC cho biết, năm 2010, giải thưởng cho ngựa đoạt giải nhất cuộc đua ngựa huyện Bắc Hà sẽ là 20 triệu đồng.

Thúy Hà

Nguồn: Báo Văn hoá

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT