Liên hoan dân ca - dân vũ Bắc Trung Nam tại Quảng Nam
Khác với các lần liên hoan nghệ thuật trước đây, lần này, chưa đến giờ biểu diễn nhưng các ghế ngồi đã chật kín khán giả. Và, không phụ lòng trông đợi của khán giả Tam Kỳ, hơn 300 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên không chuyên từ 9 đơn vị nghệ thuật: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Cần Thơ và đơn vị chủ nhà Quảng Nam, đại diện cho ba miền đã làm nức lòng mọi người với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Màn trình diễn hát múa“Quảng Nam quê hương tôi” do đơn vị chủ nhà mở đầu đã thay lời người Quảng giới thiệu về vùng đất với hai di sản thế giới: Một Hội An nằm bên bờ sông Thu thơ mộng, với câu hò điệu lý ngân vang, với lễ hội dân gian đặc sắc, và những món ăn đặc sản... Một Mỹ Sơn huyền bí, qua hàng ngàn năm cổ kính rêu phong nhưng vẫn thể hiện một sức sống mãnh liệt với những hình tượng phù điêu sáng lên từ gạch đá. Chưa hết, chính khán giả quê nhà cùng với các đoàn nghệ thuật tỉnh bạn thực sự bất ngờ về truyền thống hiếu học trong tiết mục múa “Học trò xứ Quảng” được Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân biên đạo. “Học trò xứ Quảng ra thi/ mấy cô gái Huế bỏ đi không đành” được tái hiện trong vũ điệu đầy hài hước, dí dỏm thực sự thuyết phục khán giả.
Mỗi đoàn nghệ thuật mang đến một sắc màu, một làn điệu dân ca, vũ điệu đặc trưng từng vùng miền khiến bữa tiệc âm nhạc càng thêm thịnh soạn. Tổ khúc dân ca Huế giới thiệu cho bà con xứ Quảng một xứ sở của ca Huế, lễ nhạc cung đình gắn với hệ thống ngũ cung độc đáo, sâu lắng mượt mà. Âm nhạc Huế réo rắt ở chốn đền đài, vang vọng trong khoang thuyền và bến nước sông Hương. Rồi những cô gái Cần Thơ “gạo trắng nước trong” lại đưa khán giả trở về một miền Tây sông nước với những vườn cây ăn trái bạt ngàn, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với nhịp sống an bình trên sông qua “Chợ nổi trên sông”. Sự thâm trầm, sâu sắc của người dân đất Bắc được đoàn nghệ thuật Hà Nam đem đến liên hoan qua tiết mục múa “Hồn quê”. Những cô gái đất Hà Nam - cửa ngõ của thủ đô Hà Nội - trong yếm thắm, tóc vấn đuôi gà cùng những vũ điệu đầy ma lực trên nền âm nhạc hiện đại kết hợp ca trù và tiết tấu của bản “Bèo dạt mây trôi” như hút hồn người xem. Đặc biệt, chương trình đa sắc màu không thể không nhắc đến sự góp mặt của di sản văn hóa phi vật thể “Cồng chiêng” do đội chiêng buôn Wiao thuộc đoàn nghệ thuật Đắc Lắc thể hiện. Chất lửa của con người và vùng đất Tây Nguyên như món ăn lạ giữa bữa dạ tiệc càng cuốn hút và ám ảnh tất cả những ai có mặt tại khán phòng Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh. Bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn và quá hoành tráng!
Ông Nguyễn Hữu Đính (Trưởng đoàn nghệ thuật Thừa Thiên Huế) cũng thừa nhận: “Tôi đã bốn lần dẫn đoàn tham gia liên hoan dân ca dân vũ, nhưng lần này cũng vẫn thấy mới lạ. Đây thực sự là dịp để chúng tôi - những người làm công tác nghệ thuật học tập, giao lưu với nhau. Đặc biệt, Quảng Nam có hai di sản thế giới và đã làm rất tốt công tác quảng bá hình ảnh. Thừa Thiên - Huế cũng có di sản thế giới, thông qua mỗi lần tham gia liên hoan để chúng tôi có thêm dịp học tập kinh nghiệm về công tác này”. Còn ông Trần Minh Chính-Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhận xét: “Liên hoan lần này do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp cùng Sở VH-TT & DL Quảng Nam tổ chức là một hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội “Quảng Nam-Hành trình di sản lần IV”. Đây thực sự là chương trình đặc sắc nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống dân tộc và làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian. Ngoài ra, còn góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.