Quảng Trị: Đưa Lễ hội văn hóa dân gian vào trường học
Lễ hội không chỉ cuốn hút toàn thể CBGV, học sinh trong trường sôi nổi tham gia mà còn hấp dẫn hàng ngàn phụ huynh, đông cán bộ, nhân dân đến tham quan, động viên cổ vũ nhiệt tình. Thầy trò toàn trường đã tiến hành cùng lúc ba nội dung hình thức hoạt động phong phú đó là: sân khấu dân gian, trò chơi dân gian và họp chợ làng quê.
Trên sân khấu dân gian được dựng giữa sân trường nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh đã trình diễn nhiều làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của ba miền Bắc – Trung – Nam như: quan họ, chầu văn, ví dặm, các điệu lý, hò mái nhì, hò giã gạo, hát ru con, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng... thật sôi nổi, vui tươi.
Bên cạnh sân khấu dân gian là sân trò chơi dân gian như chạy cù, bài chòi, kéo co... Chạy cù được lưu truyền liên tục trên quê hương Vĩnh Linh qua hàng trăm năm bị gián đoạn trong mấy chục năm kháng chiến. Để Phục hồi nhà trường đã mời các vị phụ huynh cao tuổi đến truyền dạy lại cho các em học sinh.
Bên cạnh sân chạy cù là sân chơi bài chòi gồm chín chiếc chòi được học sinh tự dựng lên bằng vật liệu sẵn có trong làng quê như tre, trúc, bạch đàn, dương liễu. Hội Phụ huynh của trường đã cử các hội viên cao tuổi nắm chắc quy tắc, thể lệ, cách chơi đến tập luyện, hướng dẫn, sau đó cầm trịch làm trọng tài phân định thắng thua cho các em một cách khách quan, trung thực. Trong ngày hội các trò chơi dân gian đã cuốn hút đông đảo học sinh tham gia hào hứng.
Trên sân họp chợ làng quê, gần 30 lều chợ được học sinh dựng lên bằng tre, trúc, mây, lạt, lá dừa, lá tro, lá đùng đình thật đa hình, đa dạng và đẹp mắt. Trong các lều chợ thầy trò tự tay làm ra và trưng bày để bán buôn, trao đổi nhiều loại hàng gia dụng như rổ, rá, dần, sàng, nong, nia, quạt mo, quạt giấy, nhiều loại rau quả sạch.
Mỗi lều chợ, gian hàng đều có một người giới thiệu sản phẩm, hàng hóa quê hương người bán hàng đều mang trang phục dân gian cổ truyền: Yếm thắm, áo nhiễu lụa, áo tứ thân, áo the đen, quần lĩnh, khăn đóng...
Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nên chăng cần nhân rộng mô hình hoạt động như trường THPT Vĩnh Linh để các thế hệ con em được trở về nguồn cội.