Tin tức - Sự kiện

Trưng bày đồ trang sức Ðông Sơn

Cập nhật: 09/06/2009 09:06:38
Số lần đọc: 1494
Văn hóa Ðông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về nền văn hóa này đã đạt được nhiều bước quan trọng. Ðồ trang sức Ðông Sơn đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình. Ðiều này càng chứng minh ở phòng trưng bày  chuyên đề Tiếng vọng Ðông Sơn-Hiện vật mới phát hiện 2004-2009 đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, lần đầu được công bố.

Nhiều khách tham quan ngạc nhiên và thán phục khi tận mắt nhìn thấy bộ sưu tập đồ trang sức bằng đồng gồm các loại vòng đeo tay, đeo chân, khuyên tai, khóa thắt lưng... đều được chế  tác rất tinh xảo, được ông cha ta sử dụng trong cuộc sống, cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm, thể hiện trình độ kỹ thuật tuyệt vời của dân cư Việt cổ. Ðồ trang sức bằng đồng thường được đúc liền, có các loại được tết bằng nhiều sợi đồng nhỏ. Mặt cắt của vòng có tiết diện hình tròn, hình lòng máng, hình sống trâu, hình bầu dục, hình bán nguyệt, đường kính dao động từ 4,5 cm đến 13 cm. Người Ðông Sơn còn sáng tạo ra một loại vòng ống kép gồm nhiều vòng đơn liên kết  nhau thành hình trụ dài hay ngắn bao lấy cổ tay hoặc cổ chân, phía ngoài gắn nhiều chuông nhỏ (lục lạc). Các vòng tay, chân, thường được trang trí hoa văn các đường chỉ chìm, các hoa văn khắc vạch, hoa văn hình bông lúa, chấm nổi, lỗ tròn. Khuyên tai cũng vậy, có tiết diện tròn đơn giản, có loại tiết diện dẹt có khe hở trang trí hoa văn khắc vạch, song song trên hình tam giác. Ðặc biệt, chiếc khóa thắt lưng trang trí hình con rùa, được coi là hiện vật vô  cùng quý hiếm chưa từng xuất hiện trong sưu tập đồ trang sức Ðông Sơn ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Rùa từ lâu đã trở thành một con vật linh thiêng biểu trưng cho tín ngưỡng, niềm tin, sự trường tồn và bất diệt. Chúng ta bắt gặp hình ảnh rùa trong truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy, rùa trang trí trong đền chùa, rùa đội hạc và 82 tấm bia ghi danh tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) biểu hiện nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam. Và chúng ta một lần nữa bắt gặp hình ảnh rùa trang trí trên khóa thắt lưng. Ðiều này thể hiện  trình độ văn minh cao của người Việt cổ, mặt khác cũng phản ánh một đời sống tinh thần khá phong phú.

 

Có thể thấy, đồ trang sức Ðông Sơn được tìm thấy chủ yếu vẫn là ở khu vực làng Vạc (sông Cả, Nghệ An). Ðiều này chứng minh cương vực rộng lớn của văn hóa Ðông Sơn cũng như tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa này trên lãnh thổ Việt Nam và rộng hơn, cả vùng Ðông - Nam Á thời cổ.

 

 

 

Nguồn: website báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT