Triển lãm bộ sưu tập cổ vật cung đình Huế
Hệ thống cổ vật gốm sứ ở bảo tàng cổ vật cung đình Huế rất phong phú và đa dạng. Tại đây chủ yếu trưng bày sưu tập đồ uống trà có niên đại thế kỷ 19. Trong đời sống cung đình Nguyễn, uống trà không chỉ là lối ẩm thực theo nhu cầu mà còn là thú tiêu khiển được nâng lên thành nghệ thuật với nhiều nét đặc trưng riêng.
Những hiện vật về sơn mài cũng giới thiệu một loại chất liệu đặc trưng của Việt Nam và các nước Đồn Văn, có niên đại nửa đầu thế kỷ 20, chủ yếu là đồ trang trí như bức tranh, trấn phong, trong đó nổi bật nhất là các trấn phong sơn khắc, sơn mài.
Những hiện vật pháp lam được trưng bày tại triển lãm cổ vật cung đình Huế tại Festival lần này là tiêu biểu cho sự phong phú và trình độ đỉnh cao của nghệ thuật chế tác pháp lam dưới triều Nguyễn. Trong đó chủ yếu các hiện vật có nguồn gốc từ các cung điện trong Hoàng Thành Huế, được chế tác dưới các triều vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883). Với nhóm hiện vật pháp lam phản ánh được quá trình hành trình phát triển, thất truyền và phục hồi của nó trong lịch sử.
Trưng bày triển lãm lần này, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đã mang lại cho du khách đến với Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 3 với chủ đề: “Nghề truyền thống, bản sắc và phát triển” một cái nhìn tổng quan về các nghề truyền thống gốm sứ, sơn mài và pháp lam trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ của Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 3, ngày 10/6/2009, tại thành phố Huế cũng diễn ra các hoạt động khác như khai mạc triển lãm “dòng sông kể chuyện”, triển lãm tranh sơn mài của các hoạ sỹ Huế, Hà Nội, triển lãm ảnh tư liệu và nghệ thuật “cây cầu và dòng sông” của các nghệ sỹ nhiếp ảnh Huế và nghệ sỹ người Pháp Dominique de Miscault.
Tối nay (10/6/2009), tại công viên Thương Bạc bên bờ sông Hương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức khai mạc triển lãm Làng Nghề Việt Nam năm 2009 và hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ 6.