Làng Gốm Phước Tích (Thừa Thiên-Huế) được hồi sinh
Sau mấy chục năm im ắng, làng Gốm Phước Tích, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đỏ lửa trở lại, cho ra những mẻ gốm đầu tiên.
Làng Cổ Phước Tích, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hiền hoà soi mình dưới dòng sông Ô Lâu. Con đường vào làng dọc theo những hàng chè tàu trải dài, xanh mát 2 bên nhà dân. Khác với vẻ yên bình trước đây, những ngày hè oi ả này, làng Gốm náo nhiệt hẳn lên khi 2 mẻ gốm đầu tiên vừa hoàn tất, kịp tham gia triển lãm tại Festival nghề truyền thống Huế 2009.
Những ngày đầu thực hiện, người dân Phước Tích ai cũng lộ vẻ vui mừng, phấn khởi. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm, nay đã tuổi cao sức yếu nhưng ngày ngày vẫn chống gậy ra tận lò, hướng dẫn, chỉ vẽ cho con cháu từng chi tiết nhỏ, tinh xảo của nghề gốm.
Những nghệ nhân lão làng của làng cổ Phước Tích không thể nào quên thời hoàng kim của nghề gốm ở đây. Chiều chiều, trên bến sông Ô Lâu tấp nập những con đò chở đầy lu, vại, ấm, chén… đưa đi bán tận Phú Yên, Bình Định. Nhưng rồi thời gian và chiến tranh làm nghề gốm mai một dần, sau đó lụi tàn hẳn bởi không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhôm, nhựa. Nay thì, lò gốm đỏ lửa trở lại, sản phẩm làm ra còn mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời của quê hương Phước Tích nhưng mẫu mã đã thay đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng.
Tại triển lãm Festival nghề truyền thống Huế vừa qua, gian hàng gốm của người dân Phước Tích nườm nượp du khách tham quan, chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm của làng cổ Phước Tích. Anh Nguyễn Văn Chung, du khách ở tỉnh Phú Yên sau khi tham quan gian hàng gốm Phước Tích đã cảm nhận: “Tôi cũng đã đi tham quan 1 số làng gốm ở Quảng Nam, Ninh Thuận, Hải Dương. Riêng gốm Phước Tích, tôi vẫn thấy có nét đặc sắc cổ truyền của ngày xưa tại Huế. Tuy rằng nghề truyền thống lâu năm, có thời gian bị mai một nay khôi phục lại vẫn giữ được nét cổ xưa, không chạy theo phong trào”.
Người thợ trẻ Lương Thanh Hiền cho biết: công nghệ sản xuất gốm ngày nay khá hiện đại, mẫu mã thì đa dạng, phong phú hơn nhưng sản phẩm gốm vẫn giữ được những nét tinh xảo của cha ông để lại. Sau Festival nghề truyền thống Huế 2009, công tác tuyên truyền, quảng bá sẽ được tổ chức chu đáo hơn để sản phẩm gốm Phước Tích đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều.
Vẫn biết, tất cả mới chỉ là bắt đầu và khó khăn đang chờ đợi phía trước. Nhưng với những gì mà có thể nói gốm Phước Tích, sản phẩm truyền thống của ngôi làng cổ hơn 500 tuổi đang dần hồi sinh. Uớc mơ của người dân Phước Tích về những ngày đỏ lửa lò gốm nay đã trở thành hiện thực.