Hà Giang: Bảo tồn và phát triển giá trị di sản trên cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi địa đầu Tổ quốc, quê hương của đồng bào các dân tộc ít người của Hà Giang. Là nơi có địa hình hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, nơi đây còn tiềm ẩn nhiều giá trị địa chất, tự nhiên vô cùng đặc sắc cần được gìn giữ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai.
Để bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững di sản của công viên địa chất, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đang khẩn trương tiến hành khảo sát, xây dựng đề án đề nghị UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất của thế giới và tiến tới tham gia vào mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu.
Cao nguyên đá Đồng Văn (bao gồm 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang) có nhiều giá trị thiên nhiên độc đáo. Qua khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện được gần 40 điểm di sản hoặc điểm có giá trị tài nguyên có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Trong đó có 7 di sản về tiến hóa trái đất, 3 điểm quan sát toàn cảnh, 7 điểm về vườn đá, rừng đá, 6 điểm di sản về vách đá dốc đứng cao từ 200 - 300m tới trên 600m, 7 di sản về hang động, 5 di sản về các trũng kiến tạo-karst, 3 điểm bảo tồn cổ sinh học... Ngoài những di sản mà thiên nhiên đã ban tặng, cao nguyên đá Đồng Văn vẫn còn có những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đó là các nương đá quanh nhà, nhà trình tường... và các phong tục tập quán, lễ hội. Đặc biệt văn hóa chợ trên cao nguyên Đồng Văn mà tiêu tiểu là chợ tình Khau Vai nổi tiếng cùng với những sản vật rất đặc trưng cho cao nguyên đá là mật ong bạc hà, rượu ngô, thảo quả, đỗ trọng...
Với những giá trị thiên nhiên, cảnh quan, địa chất địa mạo và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên cao nguyên đá Đồng Văn. Dự án công viên địa chất Việt - Bì đã ra đời và khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng thực hiện dự án. Dã án được triển khai thực hiện trong 5 năm, từ tháng 12/2007 đến tháng 12/2012. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Giang xây dựng được một công viên địa chất. Công viên địa chất ra đời là hình thức bảo tồn tổng thể các giá trị di sản văn hóa, bảo tồn các giá trị di sản địa chất. Đặc biệt, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tự nhiên mang dáng vẻ hoang so và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng cao, cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang là điểm đến của các du khách trong và ngoài nước. Nơi đây có thể coi là điểm duy nhất của nước ta còn dáng vẻ hoang sơ, nguyên thủy, với đặc điểm địa tầng được phân chia thành 11 hệ tầng và về cố sinh với 17 nhóm hóa thạch... Với tính đa dạng về địa chất, khả năng bảo tồn tốt các đá trầm tích trên cao nguyên đá Đồng Văn sẽ mang lại những giá trị thăm quan, nghiên cứu văn hóa của nước ta.
Tuy nhiên, những giá trị đã phát hiện mới chỉ được sử dụng cho từng lĩnh vực khoa học chuyên ngành, chuyên biệt, các giá trị này chưa đến được với cộng đồng trong nước và quốc tế, chưa kết hợp được việc bảo vệ các di sản và phục vụ phát triển KT-XH của địa phương một cách hợp lý. Mấy năm gần đây, do chưa có sự quy hoạch, bảo vệ nên tình trạng khai thác đá làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là việc bà con nhân dân đập các ngọn nhũ đá để xếp tường rào nhà ở và nương đá dọc theo Quốc lộ 34 Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc đã ảnh hưởng phần nào đến cảnh quan của cao nguyên đá Đồng Văn.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của cao nguyên đá Đồng Văn, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam phối hợp nghiên cứu làm rõ giá trị của cao nguyên đá Đồng Văn, từ đó hướng tới sử dụng hợp lý các giá trị thiên nhiên, phục vụ sự nghiệp phát triển của địa phương. Sau hơn một năm triển khai, dưới sự nỗ lực của các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng và đề nghị công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn. Cùng với tổ chuyên gia là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, cổ sinh địa tầng, khảo cổ học, dân tộc học...
Ban chỉ đạo tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2010 sẽ tiến hành các thủ tục để đề nghị công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là công viện địa chất quốc gia thế giới, cùng với việc lập thủ tục công nhận công viên địa chất, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận di sản thiên nhiên thế giới sau năm 2010. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã soạn thảo xong đề án, trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban quản lý di sản Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học và các thủ tục công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất. Song song với việc lập thủ tục công nhận công viên địa chất, tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận di sản thiên nhiên thế giới sau năm 2010. Tiến hành quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng các đề án đầu tư tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá để thu hút khách du lịch đến với Hà Giang cũng như đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đặc biệt, mới đây những ngày cuối năm 2008, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Văn bản số 952/DSVH-DT chấp thuận 5 di tích trên Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh ta đủ tiêu chí lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt Di tích Quốc gia đó là: Quần thể di tích lịch sử danh thắng Lũng Cú, xã Lũng Cú (Đồng Văn); Phố cổ Đồng Văn, xã Đồng Văn (Đồng Văn); Chợ tình Khau Vai, xã Khau Vai (Mèo Vạc); Quần thể di tích lịch sử-danh thắng Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (Đồng Văn); Núi đôi Sản Bạ, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Hiện nay ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận.
Tại hội thảo "Cao nguyên đá Đồng Văn những giá trị độc đáo, định hướng và phát triển bền vững" được tổ chức tại tỉnh. Tiến sỹ Phạm Văn Lực, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng: Hiện mạng lưới công viên (vườn) địa chất toàn cầu trên thế giới có 55 công viên thuộc 17 thành viên của UNESCO. Trong đó Trung Quốc có 20 công viên. Một công viên địa chất quốc gia muốn tham gia mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu cần phải có các tiêu chí: Kích thước, việc sắp xếp quản lý và sự tham gia của địa phương, phát triển kinh tế, đào tạo, bảo vệ và bảo tồn, mạng lưới toàn cầu. Xét theo các tiêu chí thì hoàn toàn có thể xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành công viên địa chất Quốc gia để tiến tới tham gia mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu.
Ông Ts Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Việt Nam cho biết: Xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành công viên địa chất Quốc gia thế giới thì phải bắt đầu công việc bằng việc xây dựng phương pháp tiếp cận tổng thể nghiên cứu, bảo tồn đối với vùng cao nguyên đá. Trong đó chú ý kết hợp những di sản thiên nhiên với di sản văn hóa, di sản phi vật thể vốn là lợi thế của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Với sự nỗ lực của UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, sự nhiệt tình nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, cổ sinh địa tầng, khảo cổ học, dân tộc học... Cao nguyên đá Đồng Văn nếu được công nhận là công viên địa chất thế giới, tiến tới tham gia vào mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu sẽ là cơ hội phát triển cho ngành du lịch cho tỉnh ta nói chung và Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng. Nhưng trước mắt, để Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất thế giới rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương 4 huyện trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn phải nhanh chóng quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền quản lý chống khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng từ đá, xây dựng nhà cửa không đúng quy hoạch, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên và di sản văn hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nguồn: website ĐCSVN