Hà Tĩnh: Ngư dân đánh cá vớt được... đồ cổ
Sáng nay, ông Hồ Bách Khoa, Phó phòng Quản lý Di sản, thuộc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chiều 22/6/2009, trong khi đang đánh bắt cá tại khu vực cửa biển Vũng Áng thì mẻ lưới của ông Chu Thanh Nhàn, SN 1955, trú tại xóm 2, xóm Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bất ngờ kéo lên được nhiều hiện vật cổ quý.
Số hiện vật cổ này nằm ở độ sâu khoảng 10 m dưới lòng biển, cách địa phận xóm Hải Phong khoảng hai km, bao gồm: một lưỡi rìu bằng đồng, hình xòe cân, cao 13 cm, bề mặt lưỡi rộng 12 cm, miệng tra cán 0,6 cm và một lưỡi giáo đồng dài 38 cm, miệng tra cán và trên thân lưỡi giáo đều có khắc nhiều gờ chỉ nổi. Đặc biệt, trong đó có gần 100 quả cầu (đường kính trung bình mỗi quả từ 15 cm đến 20cm), lòng quả cầu rỗng, độ dày thành quả cầu 0,4 cm, mỗi quả nặng khoảng 3 đến 4 kg.
Toàn bộ quả cầu được đúc bằng hợp kim, đập không vỡ, phía bên trên và dưới đáy quả cầu có hai lỗ hổng hình tròn (đường kính 0,5 cm), mặt trong hai lỗ hổng này có hình tròn và khắc gờ chỉ nổi. Mặc dù số hiện vật trên đã nằm dưới lòng biển rất nhiều năm nhưng vẫn không bị bị oxi hóa hoặc bị hàu biển đeo bám.
Theo ông Trần Hồng Dần, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lưỡi rìu và lưỡi giáo đồng có niên đại thuộc vào nền văn hóa Đông Sơn (Đông Sơn muộn) cách ngày nay khoảng 2.000 năm và có khả năng chúng đều có liên quan đến sự kiện một con tàu (tàu dân sự, hoặc quân sự) thời kỳ nhà Nguyễn bị chìm.
Ngay sau khi trục vớt lên và vận chuyển về nhà an toàn thì ông Chu Thanh Nhàn đã báo cho chính quyền địa phương và tình nguyện chuyển lại toàn bộ hiện vật cổ về cho Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo quản và trưng bày.