Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển du lịch công cộng
Đây là một trong các chương trình phát triển du lịch hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và Năm du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội.
Làng Việt cổ Đường Lâm nổi tiếng với những ngôi nhà cổ có tuổi vài trăm năm. Đường Lâm hiện có trên 800 ngôi nhà cổ thuần Việt được xây dựng bằng chất liệu đá ong rất đặc trưng của xứ Đoài. Những xóm làng tụ cư bố trí quanh đồi gò và ven sông với 9 thôn, còn lưu giữ được nhiều dáng vẻ của làng cổ vùng trung du của người Việt với mô típ: cổng làng, giếng nước, cây đa, đình, đền, chùa, miếu, nhà cổ đá ong...
Du khách khám phá đời sống văn hoá của người Việt cổ tại Đường Lâm
Đến với Đường Lâm, du khách có thể tham gia các lễ hội tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, lễ Phật ở chùa Mía, xem các trò chơi dân gian, lễ nghi thờ cúng; nghe kể về các truyền thuyết, cổ tích; tìm hiểu về những nghề cổ truyền của cư dân Việt vùng trung du như làm ruộng nước, trồng nương rẫy, làm tương, làm kẹo, thợ mộc…
Làng cổ Đường Lâm có lịch sử truyền thống lâu đời được biết đến là nơi cư trú của người Việt cổ với dấu tích của văn hóa Sơn Vi thuộc hậu kỳ đá cũ (Mông Phụ), văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ thời đại đồng (gò Mả Đống) với niên đại 4.100 năm.
Đường Lâm cũng nổi tiếng là xứ có hai vua. Từ nửa sau thế kỷ VIII đến nửa đầu thế kỷ X, mảnh đất này đã sinh ra hai vị anh hùng cứu nước là Bố cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Quyền là vị Tổ Trung hưng thứ nhất của dân tộc Việt.
Hiện Đường Lâm có 16 di tích kiến trúc gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, lăng mộ trong đó 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Du khách đến Đường Lâm sẽ được tham quan một làng Việt cổ hầu như còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Đường Lâm vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét văn hoá của một làng Việt cổ
Một điểm đến khác trong tour du lịch cộng đồng này là làng Cổ Đô. Sử sách ghi lại đây là đất Văn Lang đồng thời là nơi sinh ra nhiều nhân tài, như công chúa Thiều Hoa tổ nghề truyền thống "chăn tằm dệt lụa", Nguyễn Sư Mạnh và Nguyễn Bá Lân là tấm gương sáng về học hành, văn chương khoa bảng, làm quan liêm chính.
Cổ Đô là được tỉnh Hà Tây (cũ) xây dựng thành mô hình làng Việt cổ, với mô hình thiết kế văn hóa truyền thống kết hợp hài hòa với hiện đại: có cảnh quan đẹp, hạ tầng, cơ sở vật chất tốt, có nhà bảo tàng mỹ thuật... Ngày nay, Cổ Đô được gọi là làng họa sĩ vì cả làng có tới vài chục họa sĩ, trong đó, họa sĩ lão thành Sỹ Tốt, nổi tiếng với bức tranh đầy ý nghĩa nhân văn như “Tiếng đàn bầu“, “Bế con” hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật.
Cùng với tour du lịch ‘Hành trình qua một số vùng kinh đô Việt cổ’ nhằm khám phá những giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc của một số kinh đô, cố đô Việt Nam qua các thời kỳ, tour du lịch cộng đồng kết nối hai điểm đến làng cổ Đường Lâm và làng Cổ Đô hứa hẹn sẽ góp phần làm phong phú thêm cho du lịch Hà Nội, thu hút ngày càng đông du khách đến với Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.