Quần thể di sản văn hoá Pháp
Hiện nay, người Pháp trân trọng bảo vệ các di tích ấy và biến chúng thành các bảo tàng, những điểm du lịch nổi tiếng: Foix Narboune, Bé jiers, Roquefixade, Mirepoix, Montségur, Puivert, Montaillou, Usson, Muilaurens, Peyrepertuse, Quéribus, Aguilar, Paden, Durban, Auriac, Arques, Coustaussa, Fanjeaux, Castelnaudary, Suissac, Lastours, Carcassonne, Minerve. 24 di tích ấy trở thành di sản quý báu của truyền thống văn hoá nước Pháp. Dưới đây là 6 trong số 24 di tích Cathare.
Toà lâu đài Foix
Toà tháp Foix đứng ngạo nghễ trên đỉnh núi như một vật trang sức giữa màu xanh bát ngát của cây và đá. Ba ngọn tháp nhô cao và được viền bằng những đường diềm, những lỗ thủng như lỗ châu mai.
Lâu đài xuất hiện đầu thế kỷ 13 như một dấu ấn của bá tước Roger Berbard, trong đó có hai tháp vuông và thành luỹ bao bọc. Đầu thế kỷ 15 người ta xây thêm một cái tháp tròn với những kiến trúc trần vòm với những đường gân cung, được bảo vệ nguyên vẹn.
Trong một thời gian dài, lâu đài dùng làm kho lưu trữ và nhà tù. Từ khi trở thành bảo tàng, lâu đài Foix gồm hai bộ phận. Bộ phận “cổ sinh vật học”-tiền sử-lịch sử nói chung” trong đó có bộ xương mamút rất lớn phát hiện từ năm 1901 ở Baulou.
Bộ phận “nghệ thuật truyền thống dân gian” trong đó trưng bày một cái ostal, tức kiểu nhà của cư dân xa xưa ở thung lũng Vicdessos.
Thành phố cổ Mirepoix
Thành phố nhỏ này ẩn mình dưới chân dãy núi Pyrénées, vẫn tồn tại nguyên vẹn dáng kiến trúc thời ký Trung đại.
Bối cảnh chung ở đây như một vùng nông thôn. Trung tâm của nó là vòm gỗ cuốn dựng trên ngôi nhà tráng lệ kiểu Colombags (nhà gỗ trét). Toà nhà của các quan tổng đài còn được bảo vệ nguyên vẹn một pho tượng làm ta kinh ngạc: tượng có cái đầu giống như đầu người vừa như đầu quỷ.
Thánh đường Saint-Marice xây dựng từ năm 1298 và trùng tu vào thế kỷ 14-15, Toà thánh kiến trúc kiểu Gothic này là một toà thánh rộng nhất châu Âu.
Thế kỷ 13, người ta sáng tạo ở đây nhiều ngôi nhà đẹp, lãnh chúa của thành phố là Pierre Roger de Mirepoix, người theo giáo phái Cathare, bị thất trận trong cuộc chinh chiến. Giặc vây hãm thành phố Mirepoix bỏ chạy. Năm 1289, thành phố bị huỷ một cách thảm hại.
Toà lâu đài Montségur
Trên độ cao 1207 mét của khối núi đá khổng lồ: toà lâu đài Montségur hiện ra sừng sững mang đầy vẻ bí ẩn của huyền thoại. Lâu đài ngự ở núi và trời, vững chãi, tưởng như không một sức mạnh nào lay chuyển nổi, tạo thêm vẻ hùng vĩ của thiên nhiên. Vào lúc đầu, lâu đài này do những người theo giáo phái Cathare dựng lên. Năm 1232, lãnh chúa Raymond de Péreille chiếm lĩnh, có 500 người bảo vệ. Hiện nay còn có nhiều dấu vết cổ sinh vật học bao phủ núi non và thành luỹ.
Thời gian và giặc giã đã tàn phá khá nhiều. Nhưng toà lâu đài vẫn đầy vẻ hẫp dẫn hoang sơ và cổ kính của nó. Du khách bước vào, giữa bao la núi và trời cảm thấy như mình được che chở bởi bức thành cao. Từ năm 1958, người ta đã lập nên tại đây một bảo tàng sinh vật học. Hai bộ xương cổ trưng bày trong đó gợi lên cho chúng ta nỗi nhức buốt về những bi kịch của Montségur...
Toà lâu đài Puilaurens
Trên chóp thành luỹ lỗ chỗ những lỗ châu mai tạo thành đường viền hình hoa in trên nền xanh lộng lẫy của vòm trời. Vào những ngày nắng đẹp, ta thấy rõ pháo đài được nâng lên trên nền biếc của thảm thực vật hắt sáng rực.
Puilaurens là một căn cứ quân sự. Tất cả các vách đá đồ sộ dựng hai bên đường dẫn đến cổng vào trại lính. Nếu kẻ thù dám bén mảng đến, chúng sẽ bị quy ngã trong trận đồ bát quái của những trận mưa mũi tên sắc nhọn.
Vòng ngoài cùng là một bức thành lớn và một con đường tròn bao bọc. Vòng thứ hai là những chiếc công sự khổng lồ. Cổng vào được kiến trúc đặc biệt: có đường lồn phía dưới, phía trên cổng có kho chứa đá và nước sôi để sẵn sàng dội lên đầu nếu chúng dám liều mạng xông vào. Những bức tường phía bắc cao hơn, có lan can xây các lỗ tròn để quân cảnh vệ chĩa vũ khí xuống.
Tháp phòng ngự hình vuông trên thung lũng Fenouillèdes, tạo ra một cảnh sắc đặc biệt làm ta ngạc nhiên. Phía tây nam, tháp nguời Đàn Bà Trắng dùng để cảnh giới lối vào những con đường ngoằn ngoèo chạy quanh trại.
Năm 1243, sau cái chết của lãnh chúa Pierre de Fenouillet, người thay thế cai quản lâu đài là Chabert de Barbaira. Ông đã tổ chức một cuộc nổi dậy chống lại kịch liệt sự tấn công của quân đội thập tự chính Albigeoise. Sau đó vào giữa thế kỷ 17, lâu đài trở thành vị trí quan trọng chống chọi với đội quân Tây Ban Nha.
Tiếp tục những năm tháng kế tiếp, lau đài biến thành nhà tù. Dần dần nó bị quên lãng trước sức mạnh của gió và sự bào mòn của thời gian.
Làng và lâu đài Villerouge-Termenes
Lâu đài hình vuông vững chắc này được sự bảo vệ của những tháp tròn. Làng Villerouge-Termenes còn giữ được nguyên vẹn tâm hòn giáo thuyết của thời trung đại.
Vào nửa sau thế kỷ 13, Tổng giám mục Narboune tiến hành sửa chữa và đổi mới một phần kiến trúc. Đầu thế kỷ 14, tôn giáo Cathare tàn lụi, một số người luyến tiếc, cố làm sống lại những kỷ niệm phồn thịnh của thế kỷ trước. Đến năm 1321, toà lâu đài bị cháy. Đó là lần phán xử cuối cùng của toà án dị giáo đối với Cathare.
Khu phố nhỏ Castelnsudary
Phố nhỏ này đã từng chịu đựng biết bao trận đòn roi dữ dội của đội quân Thập Tự chinh Albigeoise. Trận đán tiêu biểu nhất là trận Castelnaudary xảy ra vào năm 1211 mà dư âm của nó còn vang mãi trong cuốn sử thi khổng lồ dài gần 300 câu của Guillaume de Tulède: Khúc ca chế ngự thung lũng Fresquel. Lâu đài dựng trên quả đồi cao nhất và được bao bọc bởi những ngôi nhà nhỏ và những con đường hẹp. Thành phố phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động thương mại.
Thế kỷ 16, Castelnaudary trở thành trụ sở toà án vừa là dân sự vừa là quân sự: Một phần của toà nhà dùng làm nhà tù.
Thế kỷ 17, người ta xây dựng một cái kênh đào lớn Castelnaudary trở thành một cảng phồn vinh, tấp nập tàu buôn ra vào.