Non nước Việt Nam

Nhà Lớn (Vũng Tàu) - Quần thể kiến trúc dân gian quý hiếm

Cập nhật: 10/07/2009 14:07:36
Số lần đọc: 2212
Nằm bên vịnh Gành Rái và phía nam rừng Sác, khu di tích Nhà Lớn ở xã đảo Long Sơn, Thành phố Vũng Tàu được biết đến là một quần thể kiến trúc cổ dân gian quý hiếm. Được xây dựng từ năm 1910 và trùng tu vào năm 1991 đến nay quần thể di tích này vẫn còn nguyên vẹn và lưu giữ toàn bộ phong tục, tập quán của đạo ông Trần - người đã có công lập ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn...

Theo tài liệu của Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhà Lớn Long Sơn do ông Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vốn xuất phát từ vùng Bảy Núi, An Giang xây dựng nên. Ông Lê Văn Mưu từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do quản cơ Trần Văn Thành làm thủ lĩnh. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông đưa gia quyến về lánh nạn tại vùng núi Nứa. Năm 1910, ông khởi công xây dựng quần thể kiến trúc Nhà Lớn để thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh... Sau đó còn xây dựng thêm hai ngôi nhà dành tiếp khách thập phương đến thăm viếng và 5 dãy nhà dài làm nơi cư ngụ cho những người dân trong buổi đầu tới Long Sơn lập nghiệp nhưng chưa có nhà ở. Hiện nay khu di tích Nhà Lớn có diện tích khoảng 2 ha, chia thành nhiều khu gồm đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần. Nhà Lớn là một trong những di tích bằng gỗ đồ sộ, được làm bằng các loại gỗ quý gồm lim, sến, trắc, bá gụ... Khu nhà trưng bày nhiều đồ vật được chạm trổ tinh xảo như bàn ghế, tủ thờ, câu đối, hoành phi đại tự... Đặc biệt, tại đây còn lưu lại bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình 8 vị tiên ông, được cẩn hoa cương và xà cừ) .

Người dân xã đảo Long Sơn vẫn gọi ông Lê Văn Mưu là ông Trần hay ông Nhà Lớn bởi sinh thời ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất lao động. Khi ông mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần. Không có kinh kệ, chuông mõ cũng như tệ mê tín dị đoan, đạo ông Trần chỉ có những lời dạy truyền khẩu giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên với 5 chữ: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch), tại Nhà Lớn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút cả hàng chục ngàn người tới dự. Đến nay, những phong tục, tập quán của đạo ông Trần vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Người dân theo đạo ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo màu đen, đi chân đất, tóc búi tó. 
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, ngày 3/8/1991, Nhà Lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hiện nay, khu di tích Nhà Lớn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi lần đến Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

 

Nguồn: Website báo Đại Đoàn Kết

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT