Thăm nhà cổ Hội An
Độc đáo nhà cổ Tấn Ký
Một điều dễ thấy là tất cả các ngôi nhà cổ ở Hội An đều hình ống và lấy bộ sườn nhà làm cơ sở chịu lực. Bộ sườn ấy được cấu thành bằng sự liên kết các “vì kèo”. Việc liên kết ấy được thực hiện bởi các thanh xà, đó có thể là sự liên kết bằng những thanh dầm dọc gọi là “kèo”, “kẻ” hoặc là liên kết bằng các thanh dầm ngắn xếp theo chiều ngang gọi là “con rường”. Như cách nói quen thuộc của người dân phố Hội, chị Tân Xuân, hậu duệ thứ 6 nhà cổ Tấn Ký không chút rườm rà: “Nhà cổ Tấn Ký gồm nhiều nếp nối với nhau, nếp thứ nhất như anh thấy có 6 hàng cột tạo thành 3 gian nhà, 2 gian hai bên và gian giữa đây. Xuất xứ của những tảng đá tròn nằm bên dưới những cây cột kia được chở về từ Thanh Hóa, loại đá chắc khỏe này giúp cho những thanh cột tránh được mục ruỗng, điều đó cũng lý giải vì sao đã mấy trăm năm nay, ngôi nhà cổ này vẫn còn như nguyên trạng. Còn các cột hiên hình vuông này lắp ghép với các thanh gỗ tạo thành mảng tường mặt tiền vừa giữ chức năng che chắn mưa gió cho ngôi nhà vừa làm cho ngôi nhà kín đáo hơn”.
|
Nhà cổ Tấn Ký. |
Có thể thấy, cửa chính ngôi nhà chạy dọc theo gian nhà giữa ra đến mặt sau của ngôi nhà là phố sông Bạch Đằng để tiện cho việc chủ nhân ngôi nhà trước đây phải luôn cập bến và đưa hàng hóa đi vào hoặc chuyển hàng đi ra cho khách. Chị Tân Xuân tiếp lời: “Anh có biết mí cửa gắn 2 con mắt kia là gì không? Đó chính là đôi mắt của ngôi nhà, cũng giống như đôi mắt của con người vậy, nó là thần thái của ngôi nhà cổ, là niềm mong ước thương mại phát đạt và đầm ấm đời sống gia đình”.
Vì nóc ngôi nhà chia làm hai phần. Vì nóc sát hiên được kiến trúc theo kiểu “cột trốn kẻ chuyên” (các cột được “trốn” bằng cách “mọc” lên từ các thanh xà ngang) gồm 3 hàng cột cộng với hàng cột hiên. Rồi kế tiếp hàng cột thứ 4 và thứ 5, kiến trúc theo kiểu “chồng rường giả thủ” (các rường cột chồng lên nhau giống như bàn tay 5 ngón) được chạm trổ tinh vi. Hàng cột thứ 5 và thứ 6 có kết cấu “vì vỏ cua” cong vồng lên in hệt vỏ cua vậy. Du khách cũng có thể nhận biết, nếp thứ hai chạy dọc theo sân trời (vì rằng những ngôi nhà hình ống ở Hội An chung tường với nhau và ít có cửa sổ, để thông thoáng cũng như tuân theo triết lý Tam Tài của người phương Đông, chủ nhân những ngôi nhà này để một gian chính giữa đón lấy bầu trời gọi là sân trời) gồm hai tầng kết cấu và cũng theo lối “chồng rường giả thủ” quen thuộc nhưng nhỏ hơn, 2 cột vuông đứng trên tảng đá vuông với các tai cột chạm khắc hình con sóc, hòm thư, quả lựu, quả phật thủ, con dơi. Có thể nói thêm rằng các hình chạm khắc này đều có ý nghĩa biểu trưng của nó như con dơi là biểu trưng về hạnh phúc, hòm thư: học hành, quả lựu: thật nhiều con cái. Đi hết nếp 2, nếp 3 lại xoay ngang gồm 4 hàng cột ăn thông lên mái. Mái lợp ngói âm dương rất dày nên thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Vị chủ nhân đời thứ 5 của ngôi nhà cổ Tấn Ký, cụ Lê Chương đã đi xa từ tháng trước. Trước khi đi xa, cụ còn để lại bức thư còn tươi nguyên màu mực nói lên mong ước những người con thành phố Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung ít phải đi làm xa kiếm sống, ít phải có cảnh “lưu luyến, nghẹn ngào chia tay buổi đầu xuân”, bức thư này ghi ngày 22-2-2008. Tôi đọc bức thư này từ tay người con gái của cụ.
|
Nhà cổ Phùng Hưng. |
Nhà cổ Phùng Hưng - nét “lạ” trong kiến trúc
Từ nhà cổ Tấn Ký, ngôi nhà số 101 phố Nguyễn Thái Học, rẽ lên Chùa Cầu, đầu phố bên kia ngôi chùa cổ, số 4 phố Nguyễn Thị Minh Khai là nhà cổ Phùng Hưng (tên gọi ngôi nhà là Tấn Ký, Phùng Hưng đều nói lên mong ước làm ăn phát đạt, hưng thịnh của các chủ nhân ngôi nhà). Cũng như những ngôi nhà cổ khác ở Hội An, nhà cổ Phùng Hưng hình ống gồm 2 tầng, với 3 nếp nhà. Từ cửa chính ngôi nhà đi vào thấy 5 hàng cột chia ngôi nhà thành 3 gian, gian giữa rộng hơn có cửa chính nhìn thông xuống bếp, các cây cột hình tròn đứng trên tảng đá hoa sen. Hàng cột ngoài hiên lại có hình vuông đứng trên tảng đá hình vuông liên kết với nhau bằng các “vì vỏ cua” chạm hình 2 con cá chép. Cửa gỗ “thượng song hạ bản” rất tiện lợi cho việc che chắn mưa gió vào mùa đông và thông mát cho mùa hè. Vì nóc chính làm theo kiểu “cột trốn kẻ chuyên” quen thuộc. Nếp 2 của ngôi nhà cũng 2 tầng 3 gian nhưng chạy dọc ôm lấy phần sân trời với 4 cột tròn đứng trên tảng đá tròn nối với nếp 1 và nếp 3 như một hành lang. Nếp 3 cũng có vì nóc tương tự. Cầu thang lên tầng 2 đặt ở nếp này.