Hà Tiên - Nơi hoà quyện Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Hà Tiên một tổng thể biển, đảo và bờ biển hài hoà ít có ở đâu quyện lẫn với nhau thiên thời - địa lợi - nhân hòa như thế. Đó là quần thể từ thế núi cao ăn men sát mé biển; biển xanh, đảo rộng và đẹp, và cả đồng bằng cùng kết hợp thành một vùng vừa đẹp như tên gọi xứ sở Hà Tiên hơn 300 năm trước, vừa say đắm lòng người.
Từ trung tâm thành phố Rạch Giá, đi khoảng 800m là đến dãy núi Lăng. Tại đây có Ao Sen dưới chân núi - một công trình thuỷ lợi kết gắn tình nghĩa của bà con Kinh - Khmer chung sức chung lòng làm ra, có từ thời Mạc Thiên Tích, cuối thế kỷ XVIII, nơi trữ nước sinh hoạt quý giá cho người dân quanh cả vùng. Di tích này còn là nơi an táng của người khai sáng ra vùng đất – dòng họ Mạc Cửu làm rạng rỡ tên đất, tên người Hà Tiên, được nhân dân gần 300 năm trước rất tôn trọng, cho công khai khẩn vùng đất từ hoang vu thành sầm uất như hôm nay.
Đền thờ dòng họ Mạc - vào mở mang vùng đất Hà Tiên - được gọi là miếu Lệnh. Lăng Mạc Cửu và đền thờ do Mạc Thiên Tích, người thiết kế, được xây dựng khỏang từ năm 1735 - 1739. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt ăn sâu vào núi. Nơi chôn hài cốt Mạc Cửu được đúc bằng đá vôi, cát, đường và nhựa ô dước quý mà dân dã cách đây gần 300 năm. Ai lên đây viếng lăng dòng họ Mạc cũng thấy kỹ thuật xây đúc mộ từ hơn 200 năm trước, giờ con cháu đâu có thể vượt qua. Trên núi Lăng, phía trước hai bên mộ có hai tượng tướng cầm gươm đứng hầu bằng đá xanh. Nay hai bức tượng đó bị trộm cưa mất và được đúc lại bằng xi măng, có kém đi về thẩm mỹ. Lăng mộ Mạc Cửu được đặt đúng theo thuật phong thổ: tiền án là núi Tô Châu, hậu chẩm là núi Bình Sơn, trước lăng có dòng lưu thuỷ đó là Đông Hồ, phía tả là núi Bát Giác, phía hữu là núi Pháo Đài có tên chữ là Đại Kim Dự. Mặt lăng mộ quay về hướng Đông, lưng tựa núi hai bên theo thế tì lưng an tọa. Khu mộ rất kiên cố vượt qua thời gian, nên dù gần 300 năm nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, cổ kính mà trang trọng, quyến rũ; hầu hết các bia mộ đá từ xưa thế nhìn ra biển mà vẫn đầy nguyên vẹn gần 300 năm.
Qua sân đá "Bái Đình" hình bán nguyệt viếng mộ Mạc Cửu xong, ta đi thăm các lăng mộ khác ở rải rác khắp các triền núi Bình Sơn như lăng mộ Mạc Thiên Tích, Nguyễn Thị Hiếu Túc (vợ Mạc Thiên Tích)... được khoét sâu vào triền núi, thế nhìn ra biển khơi. Trên đỉnh núi Lăng có nền Xã Tắc, nền Xuyên Sơn. Tục truyền, thời Mạc Thiên Tích, hàng năm vào ngày 9 tháng giêng âm lịch thường diễn ra lễ tế trời, tế thần núi, thần sông tại nền Xuyên Sơn và tế các chiến sĩ vong trận tại nền Xã Tắc, cho núi thần, biển xanh Hà Tiên cứ còn mãi ngàn xuân.
Cầu phao qua làng Đông Hồ |
Con đường do tỉnh Kiên Giang mới mở chạy quanh chân núi Đèn có bờ biển xanh thẳm tuyệt đẹp, nối liền đến tận khu du lịch Mũi Nai, là điểm cuối trên đất liền của biên giới Việt Nam - nơi tiếp giáp vùng biển 3 nước Việt Nam – Cam-pu-chia – Thái Lan. Trên đỉnh núi Đèn, vẫn còn đó ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi, vẫn hằng đêm rọi sáng dẫn đường cho các con tàu từ biển đi,về.
Từ Mũi Nai ra xa bờ chừng vài trăm mét có rất nhiều đảo nhỏ, đảo lớn của quần đảo Bình Trị và Hải Tặc. Hai quần đảo này cũng là nơi du lịch rất lý tưởng trong tuyến du lịch biển - đảo. Từ ngoài biển nhìn vào mũi đất này giống hệt cái đầu của một chú nai chà nằm nghểnh ra biển. Khi ta tắm xong mệt, đói thì vào quán bình dân trên bãi gọi vài thứ thức ăn biển, thật khó mà chê.
Về Hà Tiên, có một điều thú vị nữa là Chợ đêm Hà Tiên. Ở nơi cuối nguồn đất nước có nhiều thứ lạ mà gần gũi với bà con ta. Trong chợ có nhiều dãy hàng tạp hoá đủ chủng loại từ mỹ phẩm, vải vóc màu sắc sặc sỡ đến những món hàng mỹ nghệ bằng đá, vỏ ốc, thuỷ tinh, nhựa cho đến trang sức bằng vàng và đá quý, bày bán ngay trên vỉa hè. Quán hàng ăn đêm với đủ món bình dân: cháo trắng với cá cơm kho khô, hủ tiếu Nam Vang hải sản, bún kèn dừa - món ngon độc đáo của người Khmer. Những quán rượu ven đường bán mấy món nhậu đơn giản như khô cá đuối, khô cá khoai, khô mực, ốc biển, sò huyết... kèm với cóc, ổi, xoài rất bình dân, ai mua cũng vừa lòng. Tại chợ có một số quán ăn, phục vụ cho du khách suốt đêm.
Thốt nốt ngọt mát - đặc sản của Hà Tiên |
Nếu nói du lịch biển, thì đây là vùng đất trời cho của Hà Tiên và cả tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là thế mạnh mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Kiên Giang thấy rõ, nên hàng năm, mùa du lịch sau tháng giêng và những tháng hè, du khách từ mọi miền đến đây trung bình mỗi ngày có trên 4.000 – 5.000 người. Bây giờ đường bay từ Sài Gòn ra Phú Quốc thuận tiện, đường biển từ Hà Tiên ra Phú Quốc ngày có mấy chuyến, nên biển Hà Tiên và các đảo Kiên Giang đang ngày một chứng tỏ thế mạnh của kinh tế biển.
So với các tỉnh có biển ở Nam Bộ, Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang là nơi có nhiều thế mạnh. Những năm gần đây, đã thu hút đông đảo nhất lượng khách của mọi miền, kể cả từ Thái Lan, Cam-pu-chia. Mỗi năm có gần 2 triệu lượt người đã đến thăm thú, du lịch biển tại Hà Tiên – Phú Quốc. Thế mạnh này của tỉnh càng phát huy khi gần đây Chính phủ đã có quy họach chính thức về phát triển toàn diện của quần đảo Phú Quốc. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, tiềm năng biển và hải đảo Kiên Giang - Hà Tiên ngày càng được Đảng bộ, Chính quyền tỉnh chú ý phát huy, để thế mạnh trên 300 km bờ biển, hải đảo, quần đảo Phú Quốc, nơi cuối cùng của vùng đất phương Nam, ngày càng là điểm hẹn đầy lý thú của du khách quốc tế, trong nước đến thăm.