Trang phục phụ nữ Mông ở Nghệ An
Trang phục phụ nữ Mông không khoe vẻ đẹp cơ thể qua kỹ thuật cắt, may làm rõ đường nét hình thể như phụ nữ Thái, Thổ... mà chủ yếu vẻ đẹp thể hiện ở trang trí, màu sắc, hoa văn. Phụ nữ Mông rất khéo tay trong nghệ thuật tạo hình trang phục. Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt, qua bộ trang phục trong ngày hội: “Muốn biết người tốt thì xem gác bếp, muốn hay người đẹp thì xem áo quần”. Người phụ nữ giỏi may thêu được cả cộng đồng đề cao, tôn trọng và thêu dệt như một nghề bắt buộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước khi đi làm dâu, người mẹ tặng cho con gái bộ váy áo coi như của hồi môn. Khi về nhà chồng rồi cô gái lại thêu dệt váy áo để tặng mẹ đẻ và mẹ chồng. Người phụ nữ được coi là giàu có là người có nhiều váy áo đẹp, nhiều đồ trang sức.
Khi thêu, trí tưởng tượng của người phụ nữ Mông khá phong phú, họ không có hình mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết đẹp. Đặc biệt là kỹ thuật ghép vải khá độc đáo, hấp dẫn tạo những khoang màu khác nhau ở cổ áo, ống tay, nẹp ngực, gấu váy, tạp dề. Ngoài ra, còn sử dụng kỹ thuật ghép hạt cườm nhựa, bạc lên trang phục.
Váy làm bằng vải lanh hoặc vải thô để trắng hoặc nhuộm màu chàm, thân váy là một miếng vải khổ rộng 60cm, dài tới 7m, người ta gấp thành rất nhiều nếp nên trên cặp váy chỉ còn khoảng 90cm. Cạp váy được làm từ miếng vải rộng 40cm, gấp đôi và may ôm lấy phần thân vải. Để mặc được váy người ta còn phải may đính thêm một dải vải gần 2m (tùy theo cỡ người) vào cạp váy, khi mặc quấn quanh thắt lưng. Phần tiếp giáp 2 vạt váy nằm ở phía trước và được che bằng 1 chiếc yếm dài khoảng 80cm, rộng 35cm, yếm được treo giữ bằng một dải thắt lưng có thêu hoa văn sặc sỡ rất đẹp, không chỉ ngày lễ mà cả ngày thường họ thắt khá nhiều thắt lưng vải, nó có tác dụng làm giá đỡ chiếc gùi khi đi rẫy...hoặc địu trẻ em. Thậm chí có người còn có một miếng đệm vào giữa “tầng” thắt lưng nữa.
Cùng với chiếc váy và thắt lưng, trang phục của người phụ nữ Mông còn có chiếc áo lu sò bằng vải lanh cổ truyền hoặc vải lụa màu sáng, áo cổ tròn ngắn cứng hơn cổ áo đàn ông, vạt trước thường dài hơn vạt sau khoảng 10cm, ống tay áo thường nhỏ, có vải viền khác màu và thêu hoa văn ở khủy tay, ở cuối ống tay có một khúc vải khác màu bên trong vắt ra, có 2 mảnh vải bề ngang khoảng 3cm, màu đỏ hoặc vàng đáp đằng trước tà áo. Phía sau cổ áo có đính 1 miếng vải hình vuông gọi là đá so, được thêu hoa văn, trang điểm theo các tầng, các đường diềm tỉ mỉ, màu sắc sặc sỡ rất đẹp.
Khăn thắt ở eo lưng cũng có 3 màu khác nhau, mỗi cái có chiều dài khoảng 1,2 đến 1,5m, rộng khoảng 20 đến 30cm gồm 3 màu xanh, đỏ, vàng, các tấm khăn này thường làm bằng vải mỏng như vải lụa, ở 2 đầu làm tua rủ và có thể được thêu hoa văn, trang trí rất cầu kỳ.
Phụ nữ người Mông trên đầu thường quấn chiếc khăn (đông pụa) rất dài màu gụ, chiếc khăn được quấn khá phức tạp thành nhiều lớp, lượt ngoài và giữa các lớp người ta thường quấn thêm một dải vải màu trắng.
Bộ y phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo, cầu kỳ, rực rỡ như thể hiện ý nguyện vượt lên sắc màu của thiên nhiên, để tôn vinh và khẳng định vẻ đẹp của con người, hiện vẫn giữ nguyên được bản sắc dù cuộc sống có nhiều đổi thay.