Quảng Nam: Khôi phục nghề dệt truyền thống Xê Đăng
Để khôi phục nghề dệt dồ truyền thống, huyện đã mời 10 nghệ nhân giỏi nghề dạy cho học viên. Chương trình dạy nghề dệt dồ truyền thống của đồng bào Xê Đăng đã được huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam triển khai tại 2 xã Trà Nam và Trà Linh từ năm 2006 đến nay, với 35 bộ khung dệt, thu hút hơn 40 chị em phụ nữ người địa phương đến học nghề. Chương trình đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia học nghề, trong đó có những người còn rất trẻ.
Từ khi huyện khôi phục và phát triển nghề dệt dồ truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Hồ Thị Kim Thiên, ở thôn 1, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My vui lắm. Ngay từ lúc nhỏ, chị Thiên đã được mẹ tập cho làm quen với kêvai (tức là khung dệt), tập làm các kariêu, karuông, kaxa (là các con thoi to, nhỏ) rồi học kéo sợi, phối màu, các họa tiết hoa văn để dệt nên những tấm dồ, tấm choàng, chiếc khố, áo váy... Lúc nông nhàn, hay ngày mưa gió không lên rẫy được, 15 phụ nữ trong tổ dệt dồ của thôn lại đến nhà chị Thiên làm thêm. Bình quân mỗi công dệt dồ được 25.000-30.000 đồng, nhưng ai cũng vui vì nghề truyền thống của đồng bào mình được khôi phục và phát triển. Chị Hồ Thị Kim Thiên nói: “Bây giờ được Đảng và Nhà nước đầu tư nên 15 chị em trong thôn đều biết dệt dồ. Sau này họ sẽ truyền nghề cho con cháu”.
Chương trình khôi phục nghề dệt dồ của đồng bào Xê Đăng đã được huyện Nam Trà My đầu tư 120 triệu đồng mỗi năm. Ngoài những khung dệt rải rác trong dân, huyện đã khôi phục 15 tổ dệt dồ tại các xã Trà Linh và Trà Nam. Mỗi tổ được hỗ trợ 40 triệu đồng để mua sắm khung dệt, nguyên liệu và tổ chức dạy nghề cho chị em phụ nữ. Dệt dồ là nghề truyền thống lâu đời, vừa bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của người Xê Đăng vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình. Khôi phục và mở rộng làng nghề dệt dồ là chủ trương của huyện và là nguyện vọng chung của người dân.
Các sản phẩm được tập trung khôi phục và truyền nghề lại cho học viên chủ yếu là tấm dồ, váy, khố, thổ cẩm và nhiều loại khăn quàng trên người. Bình quân để dệt được mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 4 ngày do công đoạn dệt các hoa văn họa tiết tốn kém thời gian. Nhất là đối với các tấm dồ, hoa văn phải giống hệt như họa tiết vẽ trên cây nêu trong các lễ hội đâm trâu của người Xê Đăng. Sản phẩm dồ, thổ cẩm được dệt ra sẽ may thành những bộ trang phục truyền thống cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú. Huyện cũng giao về cho các đội cồng chiêng thiết kế thành sắc phục mặc trong các ngày lễ hội nhằm phát huy nét đẹp văn hóa của người Xê Đăng, đồng thời quảng bá ra các địa phương khác trong các dịp biểu diễn cồng chiêng.
Ông Hồ Văn Điều, người dân nóc 1, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My phấn khởi nói: Cả dân xã Trà Linh rất phấn khởi, đặc biệt là nóc thôn 1 này vì đã khôi phục được nghề. Tôi thấy thổ cẩm rất đẹp, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào ở Nam Trà My”.
Người Xê Đăng ở Nam Trà My, Quảng Nam phấn khởi với việc phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc mình, nhưng khó khăn hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Giống bông trồng tại địa phương làm nguyên liệu rất tốt, khi nhuộm lên có màu đẹp, sản phẩm bán được giá cao nhưng năng suất thấp, giá thành sản phẩm khá cao so với túi tiền của người dân trong huyện.
Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, huyện Nam Trà My triển khai dự án thử nghiệm giống bông cho năng suất cao để chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào trồng trên diện rộng. Về đầu ra của sản phẩm, từ năm học 2007-2008 trở đi, UBND huyện Nam Trà My quyết định cấp kinh phí hỗ trợ 20 trường tiểu học và THCS may đồng phục bằng vải thổ cẩm cho hơn 6.000 học sinh ở các địa phương trong huyện.
Ông Phan Thanh Tiến, Trưởng phòng Công thương huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết:Tỉnh đã hỗ trợ nguồn kinh phí, huyện chỉ đạo cho Phòng tổ chức phát triển nghề này cho chị em phụ nữ từ 18 đến 30 tuổi. Mục đích của việc khôi phục lại nghề là để chị em biết được nghề truyền thống, giữ nề nếp của đồng bào miền núi.
Những làng nghề dệt dồ dưới chân núi Ngọc Linh sẽ hồi sinh và phát triển bền vững khi mô hình tổ kinh tế hợp tác được triển khai. Việc giới thiệu sản phẩm nghề dệt và trang phục truyền thống của người Xê Đăng ở Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... cũng đang được địa phương phối hợp với các ngành chức năng và các đối tác triển khai, là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển kinh tế, du dịch ở vùng miền núi Quảng Nam.