Non nước Việt Nam

Đền Pô Klong Mơnai (Bình Thuận): Một di tích lịch sử cấp quốc gia

Cập nhật: 28/07/2009 09:13:30
Số lần đọc: 2349
Đền Pô Klong Mơnai được xây dựng trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Lương Bình - Lương Sơn - Bắc Bình. Đền là nơi thờ vua Pô Klong Mơnai một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa.

Theo sử Chăm, vua Pô Klong Mơnai tên thật là Pômưhata lên ngôi vào năm 1622, đến năm 1627 ông nhường ngôi cho con rể của mình là Pô Klong Gahul. Vua Pô Klong Mơnai đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, nhất là xây dựng các con đập thủy lợi.

Ngôi đền thờ gồm 4 gian. Cửa các phòng đều quay về phía Đông và hướng Bắc. Gian chính của đền gồm 3 tầng, thu nhỏ lại ở phần đỉnh. Trên đỉnh gắn 4 con Ma Ka Ra (con thú trong thần thoại người Chăm dạng như con rồng của Việt Nam) tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Trung tâm đền thờ đặt tượng vua Pô Klong Mơnai, tạc bằng một khối đá xanh lớn có trang trí hoa văn cầu kỳ đặc sắc, đây là một trong những bức tượng lớn nhất của người Chăm còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nối tiếp với đền chính có hai ngôi đền thờ phụ thông cửa qua đền thờ chính, thờ bà hoàng hậu người Chăm, những quan lại có công trong triều đình và bà thứ phi người Việt. Đền thờ phía Bắc, thờ tượng bà hoàng hậu Chăm Pô Bia Sơm, vợ cả của vua Pô Klong Mơnai. Trong đền còn thờ 2 tượng kút trang trí đẹp mắt tượng trưng cho việc thờ con trai và con gái nhà vua. Gian phòng phía Nam thờ tượng bà thứ phi người Việt (theo gia phả một số dòng tộc người Chăm cho biết bà tên là Nguyễn Thị Thương là công chúa con chúa Nguyễn nhưng không biết vị vua nào) .

Hằng năm vào dịp Tết Katê, người Chăm xã Phan Thanh (Bắc Bình) đều tổ chức cúng tế đền Pô Klong Mơnai với nhiều nghi thức trang trọng. Đầu tiên, người ta làm lễ rước bằng, sắc phong và trang phục của vua đến đền. Đoàn rước gồm một kiệu mang bằng và sắc phong, theo sau kiệu này là những cô gái Chăm uyển chuyển trong những điệu múa truyền thống gọi là múa Rôk-ôn (múa mừng bằng, sắc). Sau khi làm lễ cúng bên ngoài phạm vi đền, người chủ lễ xin được mở cửa đền. Khi cửa đền được mở, bằng, sắc phong được đặt vào nơi trang nghiêm. Tiếp theo là lễ rước nước tắm các tượng thờ. Nước được dùng là loại nước đặc biệt. Người Chăm thường sử dụng ba loại nước: yakcoe (nước chanh), ya shlầu (nước trầm hương), yamu (một loại nước thiêng theo tín ngưỡng của người Chăm). Đây là nghi thức hết sức quan trọng, theo quan niệm của người Chăm. Sau khi các tượng được tắm xong, người ta mặc trang phục cho các tượng trong đền và bắt đầu buổi tế lễ với đầy đủ những nghi thức của hoàng tộc.

Tuy là ngôi đền thờ vua Pô Klong Mơnai nhưng trong đền chỉ thờ tượng vua, còn những di vật hoàng tộc thời vua Pô Klong Mơnai thì được lưu giữ tại nhà bà Nguyễn Thị Đào (thôn Tịnh Mỹ - xã Phan Thanh - Bắc Bình) cách đền 15km về phía Bắc. Trước đây, bộ sưu tập này được người Rắclay ở Phan Sơn (Bắc Bình) gìn giữ, khi có lễ cúng tế, người Chăm ở Phan Thanh cử một đoàn người lên tận Phan Sơn để nhận vật phẩm rồi mới làm lễ rước về đền (trong lịch sử người Chăm và người Rắclay có mối quan hệ mật thiết gắn bó).

…Với những kiến trúc độc đáo và di vật còn gìn giữ được cho đến ngày nay, đền Pô Klong Mơnai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 13/7/1993.

Nguồn: website báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT