Non nước Việt Nam

Văn hoá làng và dòng họ ở Thái Bình

Cập nhật: 28/07/2009 11:01:58
Số lần đọc: 2402
Dân cư Thái Bình phần lớn sống ở nông thôn, quây quần trong các làng - một đơn vị kinh tế tương đối độc lập bởi nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mang nặng tính tự cung tự cấp.   Nền văn hóa Thái Bình mang đậm chất văn hóa làng, có nguồn gốc và cơ sở là văn hóa làng.  

Hầu hết các làng ở Thái Bình đều có rất nhiều dòng họ cùng sinh sống, thường từ 10 đến 20 dòng họ, phổ biến là họ Nguyễn, Lê, Trần,... có những dòng họ có bề dầy hàng ngàn năm như họ Bùi ở Tân Bình - Vũ Thư, từ đường họ thờ Bùi Quang Dũng từ thời Đinh (thế kỷ X). Mỗi dòng họ có người hiển đạt thường gắn liền với danh tiếng và niềm tự hào của cả làng, nhiều khi làng được biết đến qua những nhân vật lịch sử của một dòng họ cụ thể, như Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ quê ở làng Hải Triều thì gọi là Trạng Hải Triều. Về tên gọi, có khoảng 100 tên gọi các dòng họ, nhưng số chi phái thì rất nhiều.

 

Trong làng thường có một vài họ có số lượng vượt trội so với các họ còn lại, hôn nhân thường theo xu hướng lấy người trong làng khác họ, quan hệ "họ hàng" giao thoa với nhau chằng chịt; mối quan hệ giữa dòng họ này với dòng họ kia thường được xem xét bằng quan hệ đan xen từ những thành viên của bố họ, do vậy những mâu thuẫn nảy sinh thường được giải quyết nội bộ. Quan hệ giữa người làng với nhau trong các mối quan hệ cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh đã tạo nên nguyên lý cố kết bền chặt theo tâm thức "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Cũng chính vì làng nhiều họ nên tính gia trưởng, cục bộ, bè phái ở Thái Bình vốn có từ xa xưa vẫn tồn tại đến nay nhưng trong chừng mực nào đó tính dân chủ làng xã thuở trước được hình thành và duy trì trong cơ chế làng nhiều họ.

Nguồn: website queluathaibinh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT