Yên Bái: Lưu giữ dân ca Tày Lục Yên
Chắn vốn được sinh ra ở đất Mường Lai – mảnh đất thấm đẫm bản sắc văn hoá Tày. Năm 8 tuổi Chắn đã học hát theo bà nội và bố, đến năm 9 tuổi Chắn đã có ý thức ghi chép lại những bài hát nôm. Và ở tuổi 14 Chắn đã thuộc cả trăm bài. Giọng hát và niềm say mê đã mang về cho Chắn nhiều giải thưởng cao của tỉnh, của khu vực và của toàn quốc.
Người trẻ tuổi, đầy đam mê với dân ca Tày như Chắn ở Lục Yên không nhiều, nói như ông Hoàng Đôn – Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin huyện Lục Yên thì 10 năm mới có 1 người. Bởi hiện nay, chẳng mấy người trẻ còn đam mê với dân ca Tày nữa. Và trường hợp của cô bé Lã Thị Ưu ở thôn 14 xã Minh Xuân huyện Lục Yên năm nay mới 9 tuổi, em cũng đã hát được 4 làn điệu dân ca Tày đó là then, khắp, cọi, ví cũng là hy vọng cho những người làm công tác bảo tồn, lưu giữ dân ca Tày ở Lục Yên.
Niềm đam mê dân ca Tày trong cô bé Ưu được truyền từ người bà nội của bé là bà Tăng Thị Bộ. Vốn liếng bao nhiêu năm qua sưu tầm của bà có tới cả trăm bài, giờ bà chỉ muốn truyền sang cho cô cháu gái có giọng ca mượt mà đặc biệt này.
Mặc dù hiện nay ở mỗi xã cũng còn vài cụ có thể truyền dạy được cho con cháu, nhưng lớp trẻ đang ngày càng ít người thích dân ca nữa. Giờ đây thanh niên thích mặc quần jean áo phông hơn mặc áo chàm, thích nghe nhạc trẻ hơn dân ca. Rồi cả vấn đề lực lượng thanh niên còn lại ở cơ sở ngày càng mỏng do phải đi làm ăn xa. Đó là nỗi lo hơn hết của những người làm công tác bảo tồn dân ca Tày của huyện Lục Yên.
Hai năm một lần huyện tổ chức hội diễn, thông qua các kì hội diễn phát hiện thêm những tài năng mới để bồi dưỡng và thêm vào lực lượng những nghệ nhân hát dân ca Tày. Hay trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ở Lục Yên đưa ra tiêu chí mỗi xã phải có một đội văn nghệ làm nòng cốt. Những hoạt động này đang góp phần rất tích cực lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày.
Về phía những người làm công tác văn hóa của huyện cũng đã bắt đầu sưu tầm lưu giữ các làn điệu cổ bằng văn bản, bằng đĩa. Hiện tại phòng văn hóa huyện cũng đã có trên 300 bài dân ca cổ được lưu giữ như các làn điệu khắp, cọi, quan làng, giao duyên, phong-sư… Ông Đôn – Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Lục Yên cho biết: huyện dự định sẽ xây dựng CLB dân ca Tày tại các nhà văn hóa thôn để khai thác tối đa những vốn dân ca có trong cộng đồng, rồi thống kê lực lượng nghệ nhân ở cơ sở, xây dựng chương trình truyền dạy…
Nhiều lắm những dự định cho công tác gìn giữ dân ca, nhưng khó khăn lớn nhất bây giờ của huyện vẫn là vấn đề kinh phí, cơ sở vật chất và làm thế nào để giữ chân được lực lượng thanh niên ở lại địa phương khi nỗi lo về cơm áo vẫn còn nặng... Giờ đây, niềm đam mê là điều cần thiết hơn bao giờ hết cho công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân ca Tày.