Non nước Việt Nam

Phủ Giầy (Nam Định): Khu di tích có giá trị về nghệ thuật - kiến trúc

Cập nhật: 03/08/2009 15:05:14
Số lần đọc: 2482
Khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc Phủ Giầy (hay còn ghi là Phủ Giày, Phủ Dầy) nằm ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh, là tên gọi chung cho các di tích thờ Bà chúa Liễu Hạnh. Ðây là quần thể di tích xây trong một khu vực địa lý có nhiều dấu vết của người tiền sử, với những di vật văn hóa thời kỳ đồ đá.

Phủ Giầy là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian thuần Việt đã xuất hiện và tồn tại gần 4 thế kỷ nay. Phủ Giầy có tên cổ là Kẽ Giầy, cho tới khi Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu nghi thiên hạ, Chế Thắng Hòa diệu đại vương và được sắc phong là Thượng đẳng tối linh thần thì Kẽ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.

Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh nguyên là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị giáng xuống trần gian. Ðầu thai vào nhà Lê Thái Công, một nhà giáo tích đức, nên Quỳnh Hoa (lúc này là Giáng Tiên) trở thành người tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, nhiều lần xướng họa thơ văn với chồng là Ðào Lan và các bậc danh nho như Phùng Khắc Khoan. Ðặc biệt tương truyền về sau, khi nương cửa Phật, nàng có công âm phù triều đình, dẹp yên giặc giã, giúp dân trừ dịch... Công chúa Liễu Hạnh đi nhiều nơi, tới đâu cũng làm điều thiện nên nhân dân tôn là Thánh Mẫu, Mẫu Liễu và lập đền thờ, xếp vào hàng Tứ bất tử trong điện thần Việt Nam, bên cạnh Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Tiên Chử Ðồng Tử. Nhưng nơi chính vẫn là Phủ Giầy, nơi Mẫu sinh ra. Di tích Phủ Giầy có giá trị rất cao về kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ở đây có bộ ba kiến trúc liên quan chặt chẽ tới Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.

Phủ chính là một kiến trúc khá qui mô, gồm ba lớp điện thờ, mặt đều quay về hướng nam, trước điện là giếng tròn và cột cờ, trên sân rộng phía trước có xây các nhà bia, nhà trống, nhà chiêng, kiến trúc kiểu bốn mái hai lớp. Chúa Liễu và hệ thống Tứ Phủ được thờ ở tòa điện trong cùng, Mẫu Thượng Thiên hóa thân thành Liễu Hạnh thờ ở trung tâm, bên trái là Mẫu Thoải, bên phải là Mẫu Địa, phía trước là Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ).

Tại làng Vân Cát, cách không xa Phủ Giầy có kiến trúc phủ Vân Cát. Phía trước có hồ bán nguyệt, nối với bờ bằng cầu đá, chạm trổ rất công phu. Phủ Vân Cát có Ngũ Môn và bốn cung, trung tâm thờ Chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải thờ Lý Nam Đế. Lăng Chúa Liễu nằm gần phủ chính, được dựng bằng đá, kiến trúc công phu và rất đẹp, độc đáo, xây dựng vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Trung tâm lăng là ngôi mộ hình bát giác, mộ ở thế đất cao, có bốn cửa và bậc thang lên xuống. Xung quanh mộ còn có tường vây quanh theo kiểu lan can đá, lớp nào cũng có cửa vào ở bốn phía. Bốn góc của lớp tường vây quanh và hai trụ cửa ra vào đều chạm đá hình nụ sen (60 nụ sen) lô nhô như một hồ sen đá. Ngoài hai phủ chính và lăng trên, xung quanh Phủ Giầy còn có nhiều đền miếu bao quanh, như đền Khâm Sai, Công Đồng, đền Thượng, đền Quan, đền Đức Vua, đền Giếng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng...

Hội Phủ Giầy được mở hàng năm vào tháng 3 âm lịch, cũng là ngày giỗ Thánh Mẫu. Trong các ngày hội có các trò khác như: hát chầu văn, tuồng, chèo, trống quân, đấu vật, múa võ, đánh cờ, chọi gà và các món ăn đặc sản. Nói đến Hội Phủ Giầy không thể không nói tới hình thức hát văn và hầu đồng. Đây là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu với diễn xướng tổng hợp giữa âm nhạc, hát, thờ cúng, nhảy múa. Từ khắp các tỉnh thành miền Bắc, du khách đổ về dự hội (giỗ Mẹ) vừa để thưởng ngoạn cảnh đẹp của phủ điện vừa cầu mong Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn.                                    
                                                      

 

Nguồn: website báo Công an TP.HCM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT