"Tuần du lịch làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội" khẳng định bản sắc làng nghề, phố nghề
Quảng bá làng nghề truyền thống
Với 19 làng nghề truyền thống và 14 phố nghề tham gia Tuần du lịch lần này, ban tổ chức sẽ tiến hành tạo dựng mô hình các gian hàng mang dáng dấp 36 phố phường Hà Nội xưa và trang trí trong đó các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề như diều nghệ thuật (Huế, Đông Anh - Hà Nội), đèn lồng - dù (Phố cổ Hội An), gốm sứ (Bát Tràng), đá mỹ nghệ (Hà Tây, Ninh Bình), lụa (Vạn Phúc - Hà Tây), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)... Đặc biệt, lễ khai mạc tiến hành vào tối 29/4 sẽ có đám rước tổ nghề gốm Bát Tràng nhằm tôn vinh nghề gốm cùng sự tham gia của làng trống Đọi Tam - Hà Nam và Hội Chân Tâm - Hà Nội trong chương trình lễ hội "Hào khí Thăng Long - Ngàn ánh lửa" tại sân rồng - điện Kính Thiên.
Làng múa rối nước Đào Thục với các chương trình rối nước đặc sắc đã từng tham diễn rất nhiều nơi trong nước và trên thế giới cũng sẽ có mặt tại Tuần du lịch song song với ngày hội văn hóa truyền thống xã Xuân Nộn - Đông Anh, ngoài ra còn có các tiết mục hát xẩm chợ, hát chèo, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thư pháp... Đặc biệt, làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng sẽ thực hiện chủ đề "Gốm Bát Tràng mỹ nghệ cao siêu, dân Bát Tràng thông minh tài tú" (đây là câu nói PGS, Viện sĩ Vũ Khiêu dành tặng cho làng gốm cổ) với việc trưng bày các sản phẩm gốm sứ, biểu diễn nặn gốm... Bên cạnh đó còn có nhiều chương trình ẩm thực, trò chơi dân gian ngay tại khu di tích Hoàng thành.
Cơ hội xúc tiến phát triển du lịch, thương mại
Cùng với việc tôn vinh những làng nghề, phố nghề truyền thống, Ban tổ chức Tuần du lịch làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội cũng tiến hành trưng bày các sản phẩm nằm trong chương trình xúc tiến du lịch thương mại xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Tại tuần du lịch, Công ty thủ công mỹ nghệ Hoa Lư sẽ khai trương phòng trưng bày "Hà Nội - Phố xưa, nghề cũ" với những hình ảnh tư liệu sống động giới thiệu các tour du lịch, điểm du lịch làng nghề, phố nghề, khách sạn, nhà hàng nổi tiếng của Hà Nội; bên cạnh đó, Ban tổ chức còn phát động giải thưởng "Sản phẩm, tác phẩm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn ngàn năm Thăng Long - Hà Nội" nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam ra thế giới...
Góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa làng nghề, ông Lưu Duy Dần - Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, năm nay ban tổ chức cũng sẽ vinh danh những làng nghề tiêu biểu và những nghệ nhân xuất sắc.
Cũng nhân dịp này, ông Trần Quang Dũng - Phó trưởng ban thường trực khu di tích Thành cổ Hà Nội chia sẻ: "Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình Chính phủ công nhận Hoàng thành Thăng Long là Khu di tích Quốc gia hạng đặc biệt".
"Tuần du lịch làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội" hoạt động theo phương thức xã hội hóa, kết hợp văn hóa dân gian và đương đại, đây là cơ hội khẳng định bản sắc, thương hiệu làng nghề cho trong nước và bạn bè trên thế giới biết đến, giúp làng nghề Việt Nam phát triển lâu dài và vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.