Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị giao ban cụm các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên
Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá hoạt động của ngành du lịch 7 tháng qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh hoạt động du lịch của các địa phương Miền Trung - Tây Nguyên.
Những kết quả nổi bật:
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngành du lịch Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kích cầu, đặc biệt là chiến dịch "Ấn tượng Việt Nam", nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa. Với chiến dịch này, Tổng cục Du lịch đã phát huy vai trò đầu mối, quy tụ sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, tạo sự gắn kết giữa các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển khách...trong một chương trình du lịch khuyến mại thu hút khách. Đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện du lịch lớn ATF và TRAVEX 09.
Tổng cục Du lịch đã bám sát hoạt động của địa phương và doanh nghiệp du lịch để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh du lịch thông qua việc kiến nghị với Chính phủ về giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thị thực… Tháo gỡ những vướng mắc trong việc đón khách du lịch Trung Quốc đường bộ. Các hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến tuyên truyền pháp luật, công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, vận chuyển khách du lịch, quản lý lưu trú du lịch… được triển khai tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch được đẩy mạnh ở trong và ngoài nước.
Những khó khăn và tồn tại:
Bên cạnh những khó khăn khách quan, cũng còn không ít những khó khăn do nguyên nhân chủ quan đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của ngành, đó là:
- Việc ổn định tổ chức và nhân sự của ngành du lịch từ Trung ương tới địa phương còn chậm đã ảnh hưởng đến công tác quản lý điều phối chung.
- Nguồn nhân lực còn phân tán. Đa số các sở quản lý đều phản ánh tình trạng thiếu cán bộ, đặc biệt là cán bộ có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch.
- Nguồn kinh phí cho hoạt động cũng hạn chế; cơ chế tài chính và cơ chế phối hợp còn bất cập ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ nhằm giữ vững và phục hồi thị trường khách du lịch.
- Sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa các doanh nghiệp du lịch với các ngành khác vẫn còn hạn chế, thiếu sự hợp tác chặt chẽ… nên dịch vụ du lịch chưa đa dạng, giá dịch vụ du lịch còn cao so với các nước trong khu vực.
- Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn còn diễn ra phổ biến tại một số trung tâm du lịch lớn và khu du lịch biển vào các dịp cao điểm.
- Ngoài ra, các vấn đề quản lý giao thông, quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… còn nhiều vấn đề bức xúc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh, thu hút khách và hình ảnh của du lịch Việt Nam.
10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ nay đến hết năm 2009:
Trong 5 tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn tiếp tục khó khăn, thách thức còn nhiều, dịch cúm AH1N1 vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó ngành du lịch cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục triển khai “Chương trình Ấn tượng Việt Nam”, thu hút sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ trên cả nước và các cơ quan báo chí.
2. Tiếp tục triển khai Chương trình Hành động Quốc gia về du lịch theo kế hoạch, tăng cường phối hợp giữa trung ương và địa phương trong hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
3. Tiếp tục triển khai xây dựng các đề án trình Bộ và Chính phủ.
4. Xây dựng kế hoạch năm 2010 của ngành du lịch, trong đó trọng tâm là Chương trình quảng bá cho 1000 năm Thăng Long Hà Nội và “Năm Du lịch Quốc gia 2010” tại Hà Nội.
5. Triển khai thực hiện các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam.
6. Phối hợp với các Bộ, ngành hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn liên quan đến du lịch.
7. Xúc tiến thành lập Hiệp hội Lữ hành và Hiệp hội Khách sạn.
8. Chủ động tham gia, tranh thủ khai thác lợi thế từ các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch song phương và đa phương.
9. Tổ chức làm việc với các địa phương nhằm tăng cường liên kết, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động du lịch.
10. Chủ động triển khai các hoạt động nghiệp vụ khác của ngành.
Hội nghị đã nghe các tham luận, nhiều ý kiến phát biểu của các sở VHTTDL, các doanh nghiệp, các vụ thuộc TCDL về báo cáo đánh giá, phương hướng nhiệm vụ của ngành 2009 và một số vấn đề cần thiết khác.
Kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng đã nhấn mạnh, phân tích những kết quả mà toàn ngành đã nổ lực đạt được trong 7 tháng qua là đáng khích lệ, là sự chủ động và cố gắng rất lớn của Tổng cục Du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động du lịch - dịch vụ; đồng thời lưu ý những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch phải vượt qua để hoàn thành các nhiệm vụ trong 5 tháng còn lại của năm 2009.
Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã phát động trong toàn ngành phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam.
Phan Thanh Quyên