Tin tức - Sự kiện

Du lịch đường bộ Việt Nam: Liên kết trong và ngoài nước để phát triển

Cập nhật: 10/08/2009 07:08:23
Số lần đọc: 1733
Như tin đã đưa, tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) vừa tổ chức hội thảo quốc tế Phát triển du lịch đường bộ Việt Nam nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng của du lịch đường bộ; đóng góp ý kiến cho các chính sách phát triển loại hình này; đầu tư xây dựng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch đường bộ,...

Thị trường đầy tiềm năng...

Đánh giá tổng quan về du lịch đường bộ Việt Nam, tất cả các đại biểu đều gặp nhau ở cùng một nhận định: Việt Nam có rất nhiều điều kiện và khả năng thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Hệ thống hạ tầng đã được cải thiện một bước và kết nối giữa các địa phương, các tuyến điểm du lịch và với các nước láng giềng trong khu vực. Thời gian gần đây, lượng khách du lịch đường bộ đến Việt Nam từ các nước ASEAN qua các cửa khẩu đường bộ nối với Lào và Campuchia đặc biệt tăng trưởng cao.

Đại diện các Cơ quan du lịch quốc gia của Thái Lan, Lào, Campuchia và đại diện các Bộ, ngành tham gia hội thảo đều cho rằng nhận thức, quan điểm của Việt Nam và các nước láng giềng về hợp tác phát triển du lịch đường bộ đã đạt được sự đồng thuận, từng bước tháo gỡ những rào cản. Xu hướng liên kết phát triển du lịch đường bộ ngày càng được coi trọng và mở rộng. Hệ thống sản phẩm du lịch và điểm đến tại Việt Nam trong 10 năm gần đây đã được đầu tư và nâng cao hình ảnh trong cạnh tranh và đang được quảng bá ngày một rộng rãi hơn.

Đối với loại hình caravan, các công ty lữ hành Việt Nam đã xây dựng chương trình du lịch cho khách từ Nghệ An đến Lâm Đồng, Nha Trang, trong đó chủ yếu là các tour Con đường di sản miền Trung, Con đường xanh Tây Nguyên, Đường mòn Hồ Chí Minh và các tour nghỉ dưỡng ven biển miền Trung.

Đặc biệt, các chính sách cơ chế tạo điều kiện thu hút và phát triển du lịch đường bộ đã được ban hành và ngày càng thông thoáng, cởi mở hơn đã tạo điều kiện để loại hình du lịch này có cơ hội phát triển.

... nhưng chưa phát triển xứng với tiềm năng hiện có

Phần lớn những ý kiến thảo luận tại hội thảo cũng đã tập trung phân tích những tồn tại, bất cập hạn chế, những rào cản khiến du lịch đường bộ Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng hiện có. Đặc biệt, nhấn mạnh đến sự hạn chế của cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ vừa thiếu vừa không đạt tiêu chuẩn, nhất là các trạm dừng chân và vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, thì cơ sở hạ tầng giao thông qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn tồn tại một số vấn đề nổi cộm như: Chưa có đường cao tốc trên toàn bộ các tuyến quốc lộ dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ thấp. Ở một số vùng còn nhiều tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Các dịch vụ trên tuyến như trạm nghỉ, cung cấp xăng, bảo dưỡng sửa chữa chưa đồng bộ. Hành lang bảo vệ an toàn giao thông chưa đảm bảo đúng quy định, bị lấn chiếm,...

Vấn đề thiếu trầm trọng các trạm dừng nghỉ đạt chuẩn cũng là một trong những hạn chế lớn để phát triển du lịch đường bộ. Theo bà Phạm Thị Khu, Cục Đường bộ Việt Nam, thì hiện nay cả nước chỉ mới có 3 trạm dừng nghỉ đường bộ thí điểm tại Bắc Giang, Ninh Bình và Hòa Bình của dự án quy hoạch các trạm dừng nghỉ trên một số quốc lộ chính. Ngoài ra còn một số trạm nghỉ do các nhà hàng, trạm xăng xây dựng. Tuy nhiên các cơ sở này chủ yếu do tư nhân tự phát xây dựng, không có quy hoạch, chất lượng dịch vụ chưa cao. Theo bà Khu, điều làm du khách đường bộ “sợ” nhất khi đến Việt Nam là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và thiếu các trạm dừng nghỉ.

Sự liên kết quốc tế và những giải pháp, chính sách giữa các quốc gia trong khu vực còn nhiều vấn đề chưa tương thích, chưa thực sự thông thoáng. Ông Nguyễn Thành Vượng- Phó vụ trưởng Vụ Thị trường cho rằng: Chúng ta vẫn nói nhiều về sự hợp tác giữa các quốc gia, có đầy đủ chính sách thông thoáng để phát triển du lịch đường bộ, nhưng thật ra, lâu nay, về cơ bản vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Ngay cả ở  những cửa khẩu, một vấn đề nhỏ như không thống nhất về giờ giấc làm việc cũng dễ gây phiền hà, trở ngại cho du khách.

Bên cạnh đó, những hạn chế khác như sản phẩm du lịch, dịch vụ khách sạn nhà hàng trên các tuyến du lịch đường bộ còn đơn điệu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu cũng được khá nhiều đại biểu nhắc đến như sự bất cập của du lịch đường bộ Việt Nam.

Đồng giám đốc dự án Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, ông Jozef Van Doorn cho rằng, những cán bộ ở các cửa khẩu, các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân,... sẽ là những người tiếp xúc và trả lời những câu hỏi của du khách đến Việt Nam chứ không phải là những quan chức đầu ngành cao cấp. Chính vì thế, việc quan tâm đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch ở các địa phương để tạo nguồn nhân lực về giảng dạy, đào tạo lại cho nhân lực làm du lịch là một yêu cầu rất quan trọng.

Liên kết để phát triển

Bàn về các giải pháp để phát triển du lịch đường bộ Việt Nam trong thời gian tới, một vấn đề then chốt mà hầu như đại biểu nào cũng nhấn mạnh là vấn đề liên kết, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp với nhau trong việc xây dựng chính sách, xây dựng sản phẩm, quảng bá du lịch.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Cục Du lịch quốc gia Lào, ông Khom Douangchantha cho rằng, một trong những biện pháp để phát triển du lịch đường bộ trong thời gian tới là phải có sự liên kết, phối hợp giữa các Chính phủ, ngành hữu quan để thủ tục qua lại dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan du lịch, doanh nghiệp cũng nên liên kết, hỗ trợ cùng nhau xây dựng, quảng bá và phát triển được các sản phẩm du lịch đường bộ kết nối các quốc gia lại với nhau.

Ông Piachai Raktashinha- Giám đốc văn phòng Ủy ban Du lịch Thái Lan TAT tại TP Hồ Chí Minh đưa ra 6 đề xuất để đẩy xa hơn nữa khung hợp tác giữa hai quốc gia. Chẳng hạn như khuyến khích các bên tham gia vào các tổ chức như tổ chức du lịch quốc gia, quốc tế; Hội liên hiệp kinh tế và xã hội châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP); PATA; JICA,...Các công ty du lịch, vận chuyển, hãng lữ hành,...cùng nhau tham gia hợp tác, nên duy trì và phát triển mối quan hệ giữa các ngành, cơ quan chức năng và cộng đồng nhân dân. 

 “Vai trò của sự liên kết rất quan trọng trong phát triển du lịch đường bộ”, ông Hà Văn Siêu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh. Ở đây cần quan tâm đến sự liên kết các quốc gia trong khu vực ASEAN để thúc đẩy du lịch giữa các nước. Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, các cụm. Liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Lợi thế của sự liên kết này là sẽ thúc đẩy giao lưu trong nội bộ doanh nghiệp. Xây dựng những sản phẩm, những tuyến du lịch chung và quảng bá chung đến du khách về những sản phẩm du lịch đường bộ này.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng của du lịch đường bộ, trong thời gian tới đây, để du lịch đường bộ Việt Nam phát triển tương xứng với điều kiện, cần sớm hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định quy định việc các phương tiện giao thông của người nước ngoài tham gia đường bộ Việt Nam. Làm việc với các ngành chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch làm các thủ tục xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa tại cửa khẩu đường bộ,...(Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT