Mai Châu (Hòa Bình) - Bức tranh thủy mặc đang tỏa sáng
Phiên chợ của vùng rẻo cao Mai Châu vào những ngày nghỉ cuối tuần dường như rực rỡ hơn ngày thường bởi bóng dáng các cô gái người Thái, người Mông, người Mường về chợ. Họ bước đi uyển chuyển với những chiếc váy thổ cẩm lúng liếng sắc hoa, phấp phới trên đầu dải khăn piêu thêu thùa diêm dúa.
Những cô gái Thái trẻ trung xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống vừa bán hàng lưu niệm vừa tranh thủ quay tơ dệt vải.
Các quầy hàng trưng bày thổ cẩm, lụa tơ tằm, túi thêu, sừng trâu, sừng thú, vuốt hổ, nỏ cung tên cùng điếu cày chạm khắc cầu kỳ... cũng chiếm được nhiều cảm tình của những vị khách khi đến đây.
Con đường nhựa nối từ thị trấn vào bản Lác như sợi chỉ đen lọt thỏm giữa màu xanh của cánh đồng lúa đang thì con gái. Bản người Thái với những ngôi nhà sàn nép mình giữa màu xanh cây trái vương vít khói lam chiều cuốn hút nhiều khách du lịch.
Cụ Hà Công Nhấm, người đầu tiên của bản Lác đón khách Tây về bản với thâm niên hơn 40 năm làm du lịch tại gia, vừa rót chén rượu ngô Mai Hạ - đặc sản của vùng mời khách, vừa kể chuyện cho du khách.
Cụ Nhấm cho biết, từ thửa xa xưa, người đầu tiên đặt chân tới vùng đất này là cụ Chồ Lạc - người cương trực và thương người nên ông trời phú cho cụ sức khoẻ dẻo dai. Cụ cơm nắm cơm đùm vượt qua bao suối, bao khe... rồi một ngày cụ Lạc dừng chân và nhận ra rằng vùng đất dưới chân cụ đang đứng, một bên sừng sững hai dãy núi Pù Mười và Cha Luông như bức tường thành che chở, một bên có hai dòng suối lớn Tà Hè và Lài Khoài, rất màu mỡ tiện cho việc trồng cấy lúa nước, trồng bông dệt vải và trồng dâu nuôi tằm.
Cụ Chồ Lạc đặt tên cho vùng đất mới là Lạc (tiếng Thái nghĩa là lạ, người đời sau vì không muốn nói chạm tới tên người khai sinh nên nói chệch là Lác).
Mới đầu nơi đây chỉ có vài nếp nhà sàn dựng tạm còn đầy vết chân muông thú, càng về sau càng thêm sinh sôi, quần tụ đông vui đầm ấm như ngày nay.
Đến bản Poom Coọng, chúng ta sẽ dừng chân trước ngôi nhà sàn bề thế khang trang là gia đình ông Khà Văn Vương, bí thư chi bộ bản Poom Coọng. Đây là gia đình tiêu biểu trong việc nhạy bén nắm bắt thị trường du lịch, linh hoạt trong giao tiếp với khách, nhất là du khách nước ngoài.
Từ khi đuợc hợp tác xã nông nghiệp giao 3.000m2 đất theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông Vương bàn bạc với gia đình vừa cấy lúa, đào ao thả cá, vừa trồng dâu nuôi tằm phục vụ sinh hoạt gia đình và làm hàng lưu niệm cho du khách.
Đến nay, doanh thu hàng tháng của gia đình ông Vương đạt 50-60 triệu đồng, trong đó 80% là từ dịch vụ du lịch.
Trong quá trình làm du lịch, ông Khà Văn Vương vẫn luôn tâm niệm và dạy con cháu giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc từ cách giao tiếp, ứng xử theo phong tục tập quán đến các lễ hội dân gian.
Ông cho biết điều thôi thúc thu hút du khách đến với các bản làng vùng cao chính là văn hóa của mỗi dân tộc, đến với Mai Châu du khách được hòa đồng trong không gian văn hóa, cuộc sống thường nhật của người Thái.
Du khách khi đến đây sẽ được cùng gia chủ vít cong cần rượu trên nếp nhà sàn, nắm tay nhau nhún nhẩy bước chân múa xòe trong nhịp điệu cồng chiêng trầm bổng.