Bình Định: Ươm mầm nhạc võ Tây Sơn
Ở Bình Định, trình diễn nhạc võ chuyên nghiệp hiện có năm người. Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) có hai người là cô Nguyễn Thị Thuận và Hoàng Mai. Ở Quy Nhơn, Nhà hát Tuồng Đào Tấn có anh Triều Dâng và anh Bá Dũng. Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định có anh Đinh Văn Nhân.
Nhạc võ đang được các công ty du lịch ra sức quảng bá và hơn một tháng nay, Bảo tàng Quang Trung đón rất đông khách đến tham quan. Bình quân một ngày có từ 7 đến 9 đoàn khách. Khách đến Bảo tàng, ai cũng muốn xem trình diễn nhạc võ. Anh Nguyễn Xuân Hổ, phụ trách Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Từ nhu cầu thực tế của Bảo tàng, Đội cần thêm 1-2 người biết trình diễn nhạc võ. Theo tôi, tốt nhất là chọn các em học lớp 9 hay lớp 10. Sau 3 năm tập luyện, khi tốt nghiệp PTTH thì tay nghề các em đã cứng cáp. Lúc đó, Bảo tàng có thể tiếp nhận về làm việc. Do chưa có trường lớp dạy bộ môn này, nên cần tiến hành đào tạo tại Bảo tàng. Ngoài việc đánh trống, các em cần biết một vài động tác múa võ minh họa để tăng sự hấp dẫn khi trình diễn”.
Anh Triều Dâng cho biết: năm 1984, Tỉnh Đội Nghĩa Bình đã mời anh đào tạo cho một học viên tên Mỹ Nữ, để dựng một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc hoành tráng, đặng đi tham gia các kỳ hội diễn. Sau Mỹ Nữ là Thu Sương và hiện nay là Mỹ Liên. Hè năm nay, anh còn nhận lời Trung tâm Văn hóa-Thông tin tỉnh giảng dạy cho… 2 học viên đăng ký học nhạc võ. Gần hai tháng qua, anh đã dạy các ngón cơ bản. Anh cho biết, dạy nhạc võ chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng và qua thực tế luyện tập. Chính vì vậy, phải thật kiên trì và yêu thích mới có thể theo đuổi đến cùng. Để có thể biểu diễn cả hình - ý - thần của nhạc võ, ngoài năng khiếu, còn phải có sự đam mê và chịu khó học hỏi, luyện tập. Khi tiếng trống đã ăn sâu vào tiềm thức thì người cầm dùi gần như bị kéo theo tiết tấu chứ không còn tự mình điều khiển đôi tay nữa. Như thế thì mới gọi là biểu diễn có cảm xúc.