Thực trạng các dự án du lịch tại bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng
Chạy dọc bên phải con đường nhựa từ chân bán đảo Sơn Trà ra đến bãi Bắc là những hàng rào bằng tôn, bằng gạch hoặc bằng bê-tông cao quá đầu người và xen kẻ những hàng rào đó là cổng ngõ ra vào các dự án khu du lịch (KDL), khu nghỉ mát.v..v.được bảo vệ, canh phòng bằng các cánh cửa đẩy, cửa kéo hoặc chắn gác ba-ri-e cùng những nhân viên bảo vệ mặt đồng phục với vẻ mặt lạnh lùng. Những bức “tường cao cổng kín” này là của các dự án được cấp phép đầu tư tại bán đảo Sơn Trà. Tính đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà có khoảng 11 dự án KDL, khu nghỉ dưỡng được cấp phép đầu tư, trong đó, có 6 dự án lớn, bao gồm: KDL Tiên Sa tại bãi Tiên Sa do Cty CP Tiên Sa làm chủ đầu tư, KDL Bãi Bụt tại bãi Bụt do Cty CP Hải Duy làm chủ đầu tư, KDL Savico tại bãi Trẹm do Cty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn làm chủ đầu tư, KDL Biển Đông tại bãi Trẹm do Cty TNHH Trường Phúc lãm chủ đầu tư, KDL Sơn Trà Resort & Spa tại bãi Nam do Cty CP Sơn Trà làm chủ đầu tư, KDL sinh thái biển Ghềnh Bàn-Bãi Đa tại khu vực mũi Súng do Cty CP xây dựng 79 làm chủ đầu tư và KDL Bãi Bắc tại bãi Bắc do Cty CP Địa Cầu làm chủ đầu tư: 5 dự án còn lại, gồm có: KDL nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá, KDL nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Đông Nam Suối Đá, KDL biệt thự sinh thái cao cấp Hồ Xanh, KDL sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản và KDL nghỉ dưỡng-biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa-Mũi Nghệ. Trong số 11 dự án KDL nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà, chỉ có 3-4 dự án là triển khai, các dự án còn lại hầu như “án binh bất động”. Ngay cả những dự án đã triển khai cũng đều rất chậm tiến độ so với cam kết khi được TP cấp phép đầu tư và giao đất. Điển hình là Dự án KDL Bãi Bụt của Cty CP Hải Duy đầu tư tại bãi Bụt trên tổng diện tích 29ha, trong đó, diện tích mặt đất là 19ha và diện tích mặt biển là 10ha với loại hình đầu tư là KDL sinh thái 4 sao, các dịch vụ giải trí, hồ nhạc nước…với tổng vổ đầu tư 300 tỷ đồng. Được khởi công từ năm 2004 nhưng đến nay, dự án này chỉ đưa vào hoạt động khu nhà (vào tháng 9/2007). Từ quý 1/2005, việc triển khai Dự án KDL Bãi Bụt bị đình trệ do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn đầu tư. Thậm chí, ngay cả số tiền sử dụng đất của 2,1 ha phải nộp cho thành phố là 41,4 tỷ đồng nhưng cho đến nay, Cty CP Hải Duy chỉ nộp được 9 tỷ đồng. Do dự án này bị đình trệ nên hàng chục héc – ta mặt đất và mặt nước bị bỏ trống xơ xác, lãnh phí. Vấn đề đáng lưu tâm hơn ở đây là hàng trăm héc- ta mặt đất, mặt biển trên bán đảo Sơn Trà bị bỏ trống, lãng phí do chủ đầu tư các dự án KDL, khu nghỉ dưỡng không triển khai dự án như đã cam kết nhừng người dân và du khách muốn đến vui chơi, leo núi, tắm biển, sinh hoạt… tại khu vực này lại không được vì đã bị “ngăn sông cách trở” bởi những hàng trào, cổng ngõ do chủ các dự án dựng nên, trong đó, có không ít các chủ đầu tư cốt để “xí phần”, “giữ chổ” đợi cơ hội sang nhượng lại nhằm trục lợi mặc dù vẫn chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Nhà nước. Còn đối với một số dự án KDL đã đưa một số hạng mục vào hoạt động như KDL Biển Đông đưa vào hoạt động giai đoạn I với 15 biệt thự gồm 50 phòng nghỉ hay KDL Bãi Bụt với khu nhà hàng thì giá cả các dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống, giải trí, ..v..v. chỉ phù hợp với khách hàng có tiền, còn đại đa số người có thu nhập trung bình rất khó kiếm được chổ thích hợp để tự do vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí, tại bán đảo Sơn Trà của TP.
Trước bức xúc của người dân TP. Và du khách về một nơi công cộng để tự do vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà nói riêng, dọc cánh cung bờ biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc (Quảng Nam) nói chung, UBNDTP Đà Nẵng đã giao cho Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng lập dự án đầu tư các bãi tắm công cộng. Tuy nhiên, do trước đó, TP đã “thoáng” trong việc giao quyền sử dụng đất, cho thuê đất, cho thuê mặt biển để các chủ đầu tư trển khai dự án KDL, khu nghỉ dưỡng tại bán đảo Sơn Trà nên không còn đất để bố trí xây dựng bãi tắm công cộng. Vì vậy, ngày 13/2/2008, UBNDTP.Đà Nẵng đã có Quyết định số 1520/QĐ-UBND phê duyệt Sơ đồ ranh giới sử dụng đất Dự án bãi tắm công cộng với tống diện tích sử dụng đất là 3,3 ha (trong đó, phần diện tích mặt biển 1,3ha) tại khu vực bãi Nam bán đảo Sơn Trà trên cơ sở thu hồi một phần mặt đất và phần mặt biển để cho Cty CP Sơn Trà thuê để đầu tư KDL Sơn Trà Resort $ Spa.
Ngày 15/3/2008 BQL bán đảo Sơn trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng TP.Đà Nẵng tiến hành việc cắm mốc Bãi tắm công cộng tại bán đảo Sơn Trà theo ranh giới quy hoạch đã được duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-UB ngày 13/2/2008 của UBNDTP nhưng đã không thực hiện được. Ông hồ Văn Ánh : Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết là do nhân viên của Cty CP Sơn Trà cản trở không cho thực hiện việc cắm mốc tại thực địa. Lãnh đạo Cty CP Sơn Trà cho biết sở dĩ đơn vị này không chịu trả lại phần diện tích mặt đất và phần diện tích mặt biển cho TP. Để đầu tư xây dựng bãi tắm công cộng vì khu vực dự kiến thu hồi này đã nằm trong tổng thể thiết kế hoàn chỉnh của dự án đang được triển khai, nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện toàn bộ dự án sau khi đưa vào khai thác.
Dự án KDL Sơn Trà Rerort $ Spa được triển khai triên diện tích 14,5ha với loại hình KDL sinh thái biển 5 sao, gồm có 200 biệt thự và khu khách sạn. Được động thổ từ năm 2004, cho đến nay dự án này chỉ mới cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với 15 biệt thự và một phần giai đoạn 2 với khoảng 50 biệt thự. Riêng khu vực TP dự kiến thu hồi để xây dựng bãi tắm công cộng hiện chưa nằm trong khu vực dự án đang triển khai.
Chủ trương thu hút đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà của TP là hết sức đúng đắn nhằm góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên trong quá trình thực thi chủ trương này, trước hết cần phải quan tâm đến công tác quy hoạch sao cho khoa học và hợp lý, nhất là phải ưu tiên dành đáng kể về diện tích mặt đất và mặt biển tại bán đảo Sơn Trà để xây dựng các khu vực du lịch công cộng, phục vụ đông đảo người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các dự án KDL, khu nghỉ mát, các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ, nhất là về mặt kiến trúc xây dựng để việc mọc lên các KDL, khu nghỉ mát tại đây hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không phá vở và hủy hoại môi trường sinh thái không giống như những “lãnh địa”. Quan trọng hơn, TP.cần kiên quyết và sớm thu hồi đất đối với những dự án không triển khai hoặc chậm triển khai để bố trí xây dựng các điểm du lịch công cộng. Có như thế, bán đảo Sơn Trà mới thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước nhưng cũng rất gần gũi, thân thiện với người dân TP.