Hoạt động của ngành

Kết quả bước đầu phát triển du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang

Cập nhật: 17/08/2009 09:08:41
Số lần đọc: 1959
Tuyên Quang có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển du lịch, đó là thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, về di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, trong đó có những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia như: Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào,...

Khu di tích Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ (Văn phòng Chủ tịch nước và Chính phủ) ở thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương), khu di tích lịch sử Đại hội II của Đảng tại xã Kim Bình (Chiêm Hoá)... và có bản sắc văn hoá dân tộc đa dạng, phong phú.

 

Du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng, tuy mới bắt đầu phát triển, nhưng cũng đã thu được những kết quả bước đầu khá quan trọng, với những sản phẩm, loại hình du lịch chủ yếu là: Du lịch lịch sử văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh.

 

Nhận thức rõ vai trò của du lịch cộng đồng, từ năm 2005, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với các khu, điểm du lịch lịch sửvăn hóa, sinh thái. Đầu tiên là việc quy hoạch, đầu tư phát triển làng Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) thành làng văn hoá - du lịch. Trước Cách mạng Tháng Tám, thôn Tân Lập có tên là Kim Long với 23 ngôi nhà sàn của dân tộc Tày, nay còn 13 nhà (do một số hộ chuyển đi nơi khác, một số làm nhà đất). 13 ngôi nhà sàn còn lại hiện nay hầu như vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc đặc sắc nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày.


Mục tiêu của dự án này là bảo tồn, gìn giữ và phát triển các ngôi nhà sàn ở làng Tân Lập; đồng thời với việc sưu tầm, phục dựng các công cụ sản xuất, sinh hoạt, nghề truyền thống như công cụ trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn; nhạc cụ dân tộc; sưu tầm và truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ; sắp xếp lại nhà ở để có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch nghỉ tại nhà... Tất cả những tái hiện này nhằm thoả mãn khách du lịch thăm, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống sản xuất, sinh hoạt văn hoá (thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ, sinh hoạt cộng đồng, các trò chơi dân gian...) của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Hiện nay, hệ thống đường làng ngõ xóm ở làng Tân Lập đã được quy hoạch lại, bê tông hoá. Ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc khi từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) trong những ngày cuối tháng 5-1945 để lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và ngôi nhà của cụ Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, đã được bảo tồn và tôn tạo giữ nguyên gốc từ nguồn vốn chương trình MTQG về văn hoá. Hai ngôi nhà này khi tu sửa đều bố trí lưu giữ lại vị trí nơi nghỉ, làm việc của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phục vụ khách tham quan du lịch.


Với sự hỗ trợ và hướng dẫn của ngành chuyên môn, mười hộ gia đình đã bố trí lại nhà ở gọn gàng, ngăn nắp hơn, hoặc đầu tư xây dựng lại nhà cửa, các công trình phụ tiện lợi, đáp ứng nhu cầu khách du lịch ăn, nghỉ tại nhà của họ như gia đình ông Bế Văn Hai... Thôn có đội văn nghệ, thành viên là những người dân trong thôn được hướng dẫn, tập luyện để biểu diễn chương trình văn nghệ đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, làng văn hoá - du lịch Tân Lập còn rất nhiều việc phải làm. Đó là việc sưu tầm công cụ sản xuất, sinh hoạt; phục dựng một số nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát... một mặt vừa phục vụ khách tham quan, tìm hiểu, mặt khác để mô phỏng, chế tác những sản phẩm hàng hoá bán cho khách du lịch làm đồ lưu niệm, nhằm tăng thu nhập cho người dân.


Trong cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Đảng ủy, HĐND và Ủy ban nhân dân xã Tân Trào ngày 12/8 vừa qua về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp hơn bốn năm qua của xã, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển làng văn hóa - du lịch Kim Long của thôn Tân Lập hoàn chỉnh một số hạng mục công trình: Hệ thống đường bê tông nối liền với các hộ gia đình; nước sạch; hệ thống rãnh thoát nước có nắp; công trình vệ sinh khép kín. Lập dự án các ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày ở làng Kim Long (thôn Tân Lập).

 

Sau làng văn hoá - du lịch Tân Lập, tỉnh cùng với một số huyện đang xây dựng tiếp làng văn hóa thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Nà Hang); Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn)... Việc xây dựng các làng văn hoá này, trước hết phải có sự tham gia tự giác của người dân; đồng thời với việc bảo tồn, phát triển vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, cùng với việc khai thác lợi thế cảnh quan môi trường để tạo ra điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.


Mặc dù kết quả còn rất khiêm tốn, song từ thực tế phát triển du lịch cộng đồng những năm qua, xin nêu một số ý kiến để tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh ta, nhất là tại các khu, điểm có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích lịch sử văn hoá gắn với xoá đói, giảm nghèo:


Một là, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Rằng du lịch cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc đang có xu hướng mai một và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, từ đó để người dân tự giác tham gia phát triển du lịch cộng đồng; có ý thức trong việc bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.


Hai là, cần tiếp tục tập huấn, trợ giúp, hướng dẫn chuyên môn về du lịch cho người dân ở các vùng, khu, điểm phát triển du lịch như: các lớp huấn luyện về kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh du lịch; hướng dẫn du lịch; cách thức tìm hiểu và tiếp cận các hoạt động và thái độ của khách du lịch...


Ba là, tăng cường đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần xây dựng các phương án, dự án đầu tư để huy động, thu hút nguồn vốn và nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú, các hoạt động phục vụ khách du lịch: hướng dẫn, ăn uống, văn hoá, văn nghệ.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục