Thăm di tích văn hóa chùa An Lạc (Bình Thuận)
Di tích văn hóa chùa An Lạc (cấp tỉnh), cách UBND xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) và quốc lộ 1 khoảng 500m về hướng Tây Bắc, cách thành phố Phan Thiết 5 km. Thầy Quảng Cao còn khá trẻ, chừng 36 tuổi nhưng đã được phật tử địa phương mời về trụ trì chùa gần 4 năm. Thầy giới thiệu với tôi về lịch sử hình thành chùa trong tiếng chuông ngân dài theo nhịp gõ tụng kinh của phật tử. Tục truyền vào năm 1778, Đại sư Huệ Đức từ Quảng
Chùa nằm trong khuôn viên có diện tích rộng trên 2.275m2, kiến trúc được bố trí theo hình chữ khẩu (miệng, có 4 căn nhà - PV), bao gồm Chính điện nằm ở trước, gian thờ Tổ nằm phía sau, nhà Đông – Tây bố trí 2 bên và chính giữa là khoảng sân trống. Trong kết cấu kiến trúc của chùa An Lạc, các tiền nhân đã sử dụng dạng kiến trúc dân gian tiêu biểu tại địa phương thời bấy giờ, như dạng “tứ trụ” và dạng kiến trúc có tám cột chính ở trung tâm chịu lực, các cột phụ nằm xung quanh cùng hợp lực để nâng đỡ bộ khung. Khung nhà toàn bộ đều bằng các loại gỗ quý như sao, sến, căm xe… Các chi tiết liên kết bộ khung kèo, trính, con đội… được các nghệ nhân làm bằng gờ chỉ sắc nét và mềm mại. Trên phần mái là ngói âm dương, các hình tượng, họa tiết trang trí trên vách, nóc cổ lầu và các phù điêu ở các góc mái… đều còn nguyên vẹn, nên giữ được cho ngôi chùa nét cổ kính hiếm hoi. Ngoài ra, cổng trước và cổng phụ vẫn giữ được nguyên trạng xây dựng ban đầu với những câu đối xưa, nên chỉ cần đứng trước cổng chùa, bạn có thể nhận biết tính chất cổ ở ngôi chùa này. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Bình Thuận, chùa An Lạc chịu nhiều tác động của chiến tranh, điều kiện tự nhiên và có thời gian dài chùa không có sư trụ trì nên kẻ gian đã lấy đi nhiều vật quý. Tuy vậy, nhờ sự giữ gìn của các phật tử địa phương nên đã giữ được một số bộ tượng cổ, quý có giá trị về văn hóa như bộ tượng Quan Công, Quan Bình, Châu Xương bằng đồng.
Chùa còn đang lưu giữ nhiều câu đối, hoành phi có giá trị về văn hóa, ví như câu đối: Hộ quốc tí dân vạn thế vĩnh lại, ẩm hòa thực đức tứ cảnh tương an. Tạm dịch: Giúp nước che dân muôn đời được nhờ cậy, ăn hòa uống đức bốn cõi được bình an. Đặc biệt chùa còn giữ được Đại hồng chung có chiều cao 80cm, đường kính đáy 63cm và chu vi thân 160cm, được Đại sư Huệ Đức và phật tử đúc năm 1895 (trên Đại hồng chung có khắc năm đúc).
Là nơi tín ngưỡng tôn giáo cùng những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa… còn được bảo lưu và gìn giữ cẩn thận, năm 1996 chùa An Lạc đã được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Tuy vậy, theo thầy Quảng Đức, chùa đang có một số công trình kiến trúc đang xuống cấp cần được tu bổ kịp thời để tránh hư hại nặng.
Dù nằm giữa lòng thị tứ đông đúc, nhưng chùa An Lạc vẫn giữ được nét cổ kính, thanh tịnh và trang nghiêm, khiến người đến vãng cảnh chùa lòng như lắng lại trước mái ngói rêu phong, cây cối hòa trong tiếng chuông ngân nga trầm lắng khiến ta nghĩ về chữ “thiện”. Thăm chùa An Lạc một lần, tôi lại mong muốn được ghé lại nhiều hơn để tìm sự yên bình, thanh thản cho lòng mình…