Thành cổ Nam Ðịnh
Một trong những di tích tiêu biểu ấy là Thành cổ Nam Ðịnh. Ngay từ thời Nguyễn Gia Long đã nhìn nhận: Vị Hoàng, vùng đất trọng yếu của Thành Nam, án ngữ con đường Thiên Lý từ nam ra bắc về thủy cũng như bộ, trấn giữ hai cửa sông Hồng, sông Ðáy, bao quát một vùng châu thổ rộng lớn có tầm chiến lược quan trọng hơn Vân Sàng. Vị Hoàng là trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng; có dân đông, đất đai màu mỡ, nhân dân giàu có, sản vật dồi dào; có truyền thống văn hóa và đấu tranh.
Vua Gia Long đã có chủ trương từ Gia Ðịnh trở ra nơi nào đã có trụ sở hành chính của tỉnh là phải xây thành. Năm Gia Long thứ III (1804) lúc đầu thành mới đắp bằng đất, hình vuông theo kiểu Vô - băng (Sébastien Vauban)- Vô-băng nguyên soái nước Pháp từ thế kỷ 18, người nổi tiếng về xây dựng thành quách để bảo vệ đô thị. Ðến năm Gia Long thứ 13 (1814) mới ghép gạch xây thành; Thành cổ Nam Ðịnh chu vi 830 trượng bảy thước ba tấc, diện tích nội thành gần 70 vạn mét vuông, tường cao một trượng hai thước hai tấc, có bốn cửa, quanh thành cách tường thành 6,7 mét đào hào rộng sáu trượng, sâu sáu thước. Chân đế của tường xây bằng đá xanh (nay đã bồi lấp), phía trên bằng đá ong. Thành xây ở địa phận Vị Hoàng, Năng Tĩnh, Tức Mặc thuộc huyện Mỹ Lộc, nguyên trước là doanh Vị Hoàng (Nam Ðịnh tỉnh địa dư chí, năm Thành Thái thứ 5 (1893), Nguyễn On Ngọc).
Thành nằm ở phía tây bắc thành phố, khác với thành Gia Ðịnh có tám cửa, thành Hà Nội có năm cửa, thành Nam Ðịnh chỉ có bốn cửa là cửa đông, cửa tây, cửa nam và cửa bắc. Cửa đông theo hướng chính đông ở phố Trần Phú bây giờ, cửa nam đường ra cầu Treo (cũ), cửa tây nay ở phía nhà ga, cửa bắc có đường Cửa Bắc, có khu tập thể quân đội nằm cạnh phố Thành Chung. Trên mỗi cửa thành xây lầu gọi là thú lâu (nơi gác). Phía ngoài cửa thành một đoạn tường thành hình chữ V gọi là Dương Mã, tường Dương Mã dài 1,9 trượng, cao bảy thước năm tấc; các Dương Mã đều có một cửa bên phải rộng một trượng gọi là nhân môn. Các quan xưa còn đặt năm điếm - điếm Quân Trung nay là đầu phố Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ, điếm Ðông Thành, Vịnh Thịnh, Tiền Môn và An Lạc ở bốn mặt thành.
Mặt đông thành hướng ra phường phố buôn bán, mặt nam nhìn ra một bãi tập của lính, xế phía tay trái cũng có đường ra phường phố, thiên về bên phải là một cánh đồng lầy khá rộng. Qua một đoạn đường là đến Ðồn Thủy, có quân đóng bảo vệ thành phố khi bị quân địch tiến công từ phía cửa Ðộc Bộ theo sông Ðào lên. Trước mặt tây là cánh đồng khô rộng lớn, ở đó nổi lên khu Trường Thi lịch sử, Văn Miếu và nhà học của tỉnh. Mặt bắc là vùng chiêm trũng ngập nước lầy lội, về mùa mưa thuyền nan có thể từ thành phố đi về các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Bình Lục, Thanh Liêm.
Khu nội thành hình vuông, bên trong thành có đình Vọng Cung, điện Kính Thiên, đình Vọng Cung nay gọi là chùa Vọng Cung, một ngôi đình mái cong lợp ngói mũi hài, cột lim đen bóng, nhuốm mầu thiền tịch tôn nghiêm; nơi các quan đầu tỉnh xuân thu nhị kỳ Tết nhất tụ về tế cáo... lui vào sau Vọng Cung là dinh Tổng đốc nay là Bệnh viện E, đằng sau dinh Tổng đốc là dinh Bố chính, xế trước mặt dinh Tổng đốc là dinh Án sát, bên cạnh dinh Tổng đốc là dinh Ðề đốc hay Chánh lãnh dinh, cơ quan ngân khố; phía sau khu hành chính là những dãy nhà kho lương thảo có thể chứa tới năm vạn hộc (khoảng 3.000 tấn). Sát cửa tây là nhà tù, trại giam, về phía tây bắc là chuồng voi, chuồng ngựa. To lớn uy nghi hơn cả là kỳ đài (Cột Cờ) ở phía nam cách đình Vọng Cung chừng 100 mét, kỳ đài xây từ năm Nhâm Thân, đời vua Gia Long thứ 11 (1812), Cột Cờ cao 23,84 mét dưới bệ có đền thờ Bà chúa cột cờ - Giám Thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Ðịnh ngày 11 tháng 12 năm 1873. Cột Cờ cao ngất trải qua 160 năm (tính đến năm 1972 bị bom Mỹ đánh sập). Năm 1997 mới hoàn tất phục chế nguyên dạng lại.
Những năm 50 thế kỷ trước, Pháp đóng chiếm thành phố Nam Ðịnh. Dựa vào thành Cửa Bắc làm phòng tuyến, chúng đã xây dựng lô cốt kiên cố, nay di tích vẫn còn. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hàng vạn công nhân Nhà máy Liên hiệp dệt Nam Ðịnh vẫn không rời xưởng máy. Một phần nhờ hệ thống "Ðịa đạo" dài hơn hai cây số từ nhà máy bám dựa vào đoạn chân thành Cửa Bắc, ra tận Nhà máy Cơ khí, Bắc thành phố, con đường địa đạo sơ tán an toàn mau lẹ, khi còi báo yên lại trở về bám trụ... Hòa bình lập lại, công nhân Nhà máy Liên hiệp dệt Nam Ðịnh và nhân dân vùng phụ cận về đây lập phố, dựng nhà mang tên ngõ năm Thành Chung thuộc phường Cửa Bắc với ngót 100 hộ bám sát vào chân thành, đôi chỗ tuy có bị phạt phá nhưng nhìn chung thành vẫn còn liền mạch gần như nguyên dạng. Nếu Bắc Thành là địa danh gốc của Hà Nội, Thành Nội là của Huế trong kia, thì Thành Nam chính là cách gọi tên của thành phố Nam Ðịnh từ bấy đến giờ.