Tân Trào – điểm du lịch văn hóa, lịch sử thu hút du khách
Các di tích lịch sử nổi tiếng như Lán Nà Lừa (nơi Bác Hồ ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa), đình Tân Trào (nơi họp Quốc dân Đại hội ngày 16 tháng 8 năm 1945), cây đa Tân Trào (nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội)... luôn thu hút nhiều du khách.
Ông Ngô Quốc Lập, Giám đốc Bảo tàng Tân Trào - ATK (An toàn khu) vui mừng cho biết, 7 tháng đầu năm, Tân Trào đã đón gần 200.000 khách du lịch về thăm quan, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh thu đạt hơn 18 tỷ đồng.
Để đưa Tân Trào phát triển bền vững, Tuyên Quang đã quy hoạch tổng thể khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; tổ chức tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho 17 đại diện hộ gia đình trong xã.
Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng bê tông hóa đường làng ngõ xóm; hỗ trợ xi măng làm nền nhà cho các hộ dân xung quanh khu di tích Cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái và đổ bê tông đường vào 13 hộ gia đình là điểm đón du khách ăn nghỉ, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng huy động nhân dân sưu tầm, phục hồi và trang trí tại hộ gia đình các loại nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, tìm lại những giá trị văn hóa tinh thần xa xưa của đồng bào các dân tộc nơi đây để phục vụ nhu cầu du lịch.
Hiện trong xã có 1 khách sạn, 3 nhà nghỉ, làng văn hoá – du lịch Tân Lập có thể đáp ứng 500 chỗ ngủ cho khách tại các nhà sàn; hơn 200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, cung cấp đủ các loại sản phẩm cho người dân và khách du lịch, doanh thu từ du lịch mỗi năm đạt gần 35 tỷ đồng.
Ông Lập cho biết thêm, người dân Tân Trào rất năng động, chớp thời cơ chuyển đổi cách làm kinh tế từ thuần nông sang làm thêm du lịch dịch vụ.
Đặc biệt, người dân Tân Trào đã biết phát huy văn hóa truyền thống để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bàn tay khéo léo của các cô gái dân tộc Tày, Nùng, Dao... để làm ra những món đồ lưu niệm như áo, khăn dệt thổ cẩm, hàng mây tre đan bán cho khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Những gia đình có nếp nhà sàn thì sửa sang nhà cửa sạch sẽ, khang trang sẵn sàng đón khách ngủ trọ, xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng...
Hiện nay, ở Tân Trào từ trẻ em đến người già đều biết làm dịch vụ du lịch, giới thiệu và bán quà lưu niệm và đặc sản địa phương làm ra như cơm lam, rau rừng cho khách tham quan.
Ông Ma Văn Tuấn, Trưởng thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, từ ngày các hộ trong thôn làm du lịch kết hợp với nông-lâm nghiệp, đời sống của người dân được nâng cao hơn trước nhiều, nhà nào cũng có của ăn của để. Người dân đã biết đoàn kết làm kinh tế, trong thôn không có người mắc các tệ nạn xã hội.