Tháp Chămpa ở Bình Định
Nếu xuất phát từ thành phố Quy Nhơn, du khách sẽ gặp Tháp Đôi ngay trong lòng thành phố, bên bờ đầm Thị Nại, sở dĩ gọi tên như vậy vì có hai tháp đứng cạnh nhau, sừng sững giữa trời xanh, như người ta “có cặp có đôi” vậy.
Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, thuộc địa phận huyện Tuy Phước, sát ngã ba quốc lộ (QL) 19 và QL 1, là quần thể tháp Bánh Ít, gồm 4 tháp lớn nhỏ được xây trên một ngọn núi, soi bóng xuống dòng sông Kôn.
Mãi với thời gian. |
Linga và yoni mới được phục chế thờ ở tháp Đôi. |
Tháp Cánh Tiên nằm trong khuôn viên thành Đồ Bàn, vào buổi chiều, nhìn từ xa, các góc mái của tháp như đôi cánh của các cô tiên nhảy múa trong sắc đỏ hoàng hôn. Tiếp tục đi về phía biển, du khách sẽ bắt gặp tháp Bình Lâm (nay thuộc huyện Tuy Phước) và một tháp chưa được khám phá trên núi Bà (Phù Cát, Bình Định). Từ tháp Bánh Ít, theo QL 19 lên Tây Sơn, chiêm ngưỡng tháp Thủ Thiện ở bên này và Tháp Dương Long ở bên kia sông Kôn.
Một điệu múa Chămpa. |
Điều đặc biệt, hầu như các tháp Chămpa đều được xây dựng bên những dòng sông. Theo tiến sĩ Lê Đình Phụng: Tháp Dương Long được coi là kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam Á. Đến bên tháp, du khách sẽ cảm nhận được sự to lớn, vĩ đại và tưởng như những công trình kiến trúc này không phải do bàn tay lao động tài hoa của các nghệ nhân Chămpa xưa mà là của các vị thần, của trời xanh, như một lần nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao ghé thăm Bình Định, thăm các tháp Chămpa từng có câu thơ: “Từ trời xanh rơi vài giọt tháp Chàm”.