Non nước Việt Nam

Các loại kẹo hấp dẫn trên thế giới

Cập nhật: 20/08/2009 11:30:43
Số lần đọc: 5914
Trong những chuyến du lịch, món quà được du khách thường mua để tặng người thân là bánh kẹo. Vị ngọt ở các quốc gia vốn rất đa dạng, lại còn có thể mang những hương vị đặc trưng riêng dễ nhớ. Tạp chí nổi tiếng Travel&Leisure đã tổng kết tám vị ngọt độc đáo và đầy hấp dẫn trên thế giới, theo đó kẹo đôi khi không chỉ có vị ngọt mà còn… cay, hay có thể chế biến từ thịt heo và một chiếc bánh thành một tác phẩm nghệ thuật!

                                    Khanom Luk Chup (Thái Lan)

Điều đầu tiên cần khẳng định rằng đây là một loại bánh, bởi nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng chẳng khác gì trái cây! Bánh Khanom Luk Chup làm từ hạnh nhân, đậu xanh hoặc đậu đen, đậu đỏ, trộn với nước cốt dừa, phủ bên ngoài bằng một lớp gelatin mỏng ngọt ngào và thơm thơm mùi hoa nhài.

Ngoài vô số loại trái cây, rau củ bé xíu được tạo hình giống như thật, thi thoảng người ta còn bắt gặp Khanom Luk Chup trong hình dạng của những con thú nhỏ, xinh xắn đến mức không nỡ cắn vào. Những khu chợ ven đường ở Bangkok đều có bán món ăn dễ thương này với mức giá rất rẻ, rất tiện lợi cho việc thưởng thức.

   Wagashi (Nhật Bản)

                                         

Không quốc gia nào lại ưa chuộng các loại mứt và bánh đậu như Nhật Bản. Wagashi là tên gọi chung của hàng trăm loại bánh vốn có nguồn gốc từ cung đình từ thời xa xưa, được làm từ đậu, tảo biển hay đường mía. Người Nhật còn gọi wagashi là bánh thời gian bởi hình dáng và cách chế biến được thay đổi theo mùa.

Bánh đậu mùa Xuân rực rỡ sắc màu, bánh thạch mùa Hè trong vắt, mát lạnh. Mùa Thu bánh có nhân trái cây và thường được tạo hình như lá phong đỏ, trong khi mùa Đông bánh có hình cá nướng vàng ươm, ấm áp. Nhờ tính tỉ mẩn vốn có của người Nhật, mỗi chiếc bánh wagashi đều như một tác phẩm nghệ thuật nên chúng được xem là món quà biếu phổ biến của du khách khi đến đất nước này.

    Percy Pigs (Anh)

                                          

Điểm độc đáo của loại kẹo dẻo này là được chế biến từ những miếng thạch gelatin làm bằng… thịt heo! Tuy nhiên, Percy Pigs vẫn mang vị ngọt và hương hoa trái như nho, mâm xôi… Những người sành ăn ở London thì lại cho rằng dư vị của món kẹo này “giống như cảm giác đọng lại ở lưỡi sau khi nhấp một ngụm Veuve Cliquot”.

Loại kẹo này bị nhái khá nhiều ở châu Âu nên nếu muốn thưởng thức một miếng Percy Pigs thịt heo “hàng thật giá đúng”, cách tốt nhất là ghé chuỗi cửa hàng Mark & Spencer với mức giá tối thiểu chỉ 1 USD/túi.

Dragon Beard Candy (Hong Kong)

                                     

Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Trung Quốc cùng chia sẻ một truyền thống làm kẹo từ loại mật mịn từ mạch nha, được kéo bằng tay cho đến khi trở thành những sợi mảnh, hay còn gọi là pishmaniye (tương tự như kẹo kéo ở xứ ta).

Pishmaniye theo nghĩa đen có nghĩa là sự hối tiếc (phản ánh sự khó nhọc khi làm ra nó). Riêng ở Hong Kong, nó có tên là kẹo râu rồng giòn tan, được làm từ hơn tám ngàn sợi đường và mạch nha, bọc xung quanh là dừa, đậu phộng và hạt mè. Mùi vị của nó có phần giống kẹo bông gòn, nhưng không ngọt bằng. Món này có thể tìm thấy ở khắp Hồng Kông với giá khoảng 20 HKD/hộp.

Chocolate cá (New Zealand)

 

                              

Tuy gọi là chocolate cá nhưng món ăn này không phải chế biến từ cá, mà có nhân dứa và kiwi, xuất hiện từ những năm 1950. Chúng được yêu thích đến độ nếu ai đó làm được một việc tốt, người New Zealand thường nói rằng: “Cho người ấy một thanh chocolate cá”. Ngay cả người dân ở vùng Cadbury - nơi sản xuất loại kẹo này - cũng không thể giải thích được nguồn gốc của hình dạng và tên gọi ngộ nghĩnh đó.

  Licorice muối (Phần Lan)

                                           

Món ngọt này lại có vị mặn và… hơi khai, bởi nó được chế biến từ cam thảo muối (salmiakki) chứa rất nhiều muối amoni clorua. Những người lần đầu thử món ngọt này sẽ thấy hơi khó chịu, nhưng dần dà cũng quen vì hầu như trong món ăn nào ở đất nước này cũng có loại muối ấy.

Cam thảo muối còn được người Phần Lan dùng để tăng thêm hương vị cho rượu vodka và cá. Các quán cà phê Karl Fazer ở Helsinki cũng phục vụ nhiều loại chocolate nhân rượu mùi và trà hương chocolate có vị muối amoni clorua.

 Salsagheti (Mexico)

                                             

Người Mexico rất táo bạo khi làm món ngọt này, bởi nó thách thức khẩu vị của người không biết ăn cay. Nguyên liệu bột ớt và bột ngũ cốc được nặn thành thành từng sợi dài. Ngoài ra còn có món salsagheti vị dưa hấu được bán kèm với ống nước xốt me gusano, ăn vào thấy chẳng khác gì món spaghetti. Vị me đậm và buốt cả lưỡi, hòa cùng vị ngọt của salsagheti và mùi thơm của gia vị mạnh khiến người ăn đôi lúc không hiểu được là mình đang dùng món tráng miệng hay bữa chính nữa!

Kẹo violet (Tây Ban Nha)

Những dải hoa violet bạt ngàn ở phía Bắc Madrid là cảm hứng cho món ăn này. Kẹo violet thực chất là hoa violet thật được phủ đường, nhưng hiện nay cũng có loại kẹo làm từ tinh chất violet, được nặn thành hình những bông hoa nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thực khách.

LaVioleta là cửa hàng chính chuyên bán món kẹo này ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Kẹo có mùi thảo mộc và vị ngọt dịu tinh tế (vì đây vốn là hoa violet tự nhiên), hấp dẫn hoàng gia Tây Ban Nha từ gần 100 năm nay nên được coi là “sản phẩm hoàng gia”. Tất nhiên, tính “hoàng gia” còn thể hiện ở một khía cạnh khác: giá bán không phải rẻ, vì 500g kẹo violet “nhái” có giá tới 60 USD, còn kẹo violet thật những 150 USD.

.

 

Nguồn: Website Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT