Non nước Việt Nam

Những món ăn đặc sắc của dân tộc Tày

Cập nhật: 24/08/2009 14:48:53
Số lần đọc: 3719
Gần đây, để thu hút khách du lịch, nhiều nhà hàng, khách sạn đã đưa các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số vào thực đơn của mình. Trong số các món ăn được thực khách yêu thích phải kể đến món thịt lợn phơi khô của đồng bào dân tộc Tày.

Thịt lợn được lạng bỏ hết xương, bạc nhạc, thái thành từng miếng dài theo khổ thịt, dày khoảng 3, 4 ngón tay. Rồi bỏ miếng thịt vào chum, ướp muối, có bột củ giềng giã nhỏ, cho thêm ít rượu, diêm tiêu có tính sát khuẩn nhẹ, đặc biệt giữ cho thịt luôn có màu đỏ hồng. Trộn đều thịt, đậy kín chum trong 2, 3 ngày để thịt ngấm đều gia vị. Sau đó đem xâu từng miếng thịt treo lên gác bếp để thịt khô ráo dần. Bịt kín thịt bằng tấm vải màn để tránh côn trùng bậu vào. Khi thịt đã khô chế biến thành món thịt xào rất thơm ngon.

 

Ngoài món thịt phơi khô, người Tày còn có món thịt lợn ướp (hém nựa), là món thịt lợn ủ trong rượu. Cách làm món thịt lợn ướp cũng không có gì cầu kỳ. Lựa những miếng thịt ngon rửa thịt thật sạch, vớt lên để ráo nước, thái miếng quân cờ vừa miếng gắp. Sau khi cho muối, nước mắm ướp hơi đậm một chút, thêm chút diêm tiêu, hạt tiêu, húng lìu trộn đều, ướp 2 đến 3 tiếng rồi đem xào cho chín, vớt ra để nguội. Sau đó bỏ thịt vào chum rượu đã làm sẵn đảo đều và buộc chặt miệng chum để thịt ngấm trong rượu giữ được mùi thơm, từ 7 ngày trở lên là có hém ngon. Món thịt ướp này được bảo quản tốt có thể ăn trong 4 tháng.


Tiếp đó là món bánh trứng kiến. Vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh. Loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn, đi lại khá nhanh và thường làm tổ trên cây vầu. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày), nguyên liệu gồm: Trứng kiến, bột gạo nếp, lá non của cây ngõa. Trứng kiến đen rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Khi làm bánh phải chọn loại cây ngõa lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non và không quá già. Vì nếu lá non quá, lá dày khi hấp lên bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì bánh ăn dai không còn vị thơm của lá.


Những người có kinh nghiệm làm bánh trứng kiến thường pha một tỷ lệ nhất định bột gạo tẻ, chất lượng bánh sẽ ngon hơn. Xay bột gạo thật mịn, thêm nước vừa phải đảo nhuyễn với độ mềm vừa phải. Lá ngõa rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới. Bột gạo được dát mỏng vừa phải, dày cỡ nửa phân rồi áp vào lá ngõa non. Tiếp đến là cho trứng kiến đã phi với mỡ lợn, lá hẹ cho thơm, rải đều trên mặt miếng bột, cho tiếp lá ngõa áp trên mặt nhân trứng kiến. Để miếng bánh đẹp, thường người ta cắt miếng bánh vuông vức. Bánh được hấp cách thủy cho tới chín. Khi ăn cũng đừng tìm cách bóc tách lá ngõa đi. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá ngõa, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những món ẩm thực mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày.

Ngoài những món trên đồng bào dân tộc Tày còn có món xôi 5 màu, bánh gừng, bánh gù, chè lam, bánh chuối, măng chua gồm măng nứa, măng mai, măng tre, cắt nhỏ ngâm vào chum để ăn quanh năm, khi ăn nấu với thịt gà, cá, thịt khô. Đây là những món ăn rất hấp dẫn du khách. Đưa các món ăn của đồng bào các dân tộc thiểu số vào trong danh mục ẩm thực của các nhà hàng, khách sạn cũng là góp phần quảng bá, giới thiệu với du khách về các sản phẩm du lịch của địa phương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT