Non nước Việt Nam

Thăm đảo yến ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Cập nhật: 07/05/2008 11:05:16
Số lần đọc: 2442
Hai chục năm trước, những hang yến trên các đảo Hòn Lao, Tò Vò, Cả, Hòn Tai... của cù lao Chàm – Hội An là vùng bất khả xâm phạm. Nhưng giờ đây, theo tour du lịch, bạn có thể tận mắt nhìn thấy những khe đá nứt thẳng đứng, có đáy ngập nước biển và gió mạnh, từng đàn chim yến về làm tổ và đẻ trứng.

Con tàu vòng qua phía đông đảo Hòn Lao, sóng đánh dữ dội vào từng vách đá khiến mọi người căng mắt mới thấy được hai anh công nhân đội khai thác yến sào Hội An đang vẫy tay chào mừng trên vách núi trong lúc cả đàn yến với vóc dáng như chim sẻ bay ra tới tấp từ cửa hang vách cao cũng tầm 50m. Gương mặt sạm nắng với ánh mắt xa xăm của những người “ăn sóng nói gió”, anh Nguyễn Vân, người “bám trụ” với nghề hơn 15 năm qua mô tả: yến đuôi ngắn chẻ đôi, cánh dài từ 115 – 125mm, chúng đi ăn từng đàn, vừa bay vừa đớp mồi trong không khí suốt 12 – 18 giờ với đường bay hàng trăm cây số. Khi làm tổ, loài chim này tiết ra một lượng nước bọt trong miệng rồi kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại thành hình vỏ sò gắn trên vách đá. Lúc đầu tai yến có màu trắng mờ, rồi trắng đục, sau trở thành “già” thì nặng khoảng 10 gram.

Gặp trực tiếp những người khai thác yến, hậu duệ của cư dân làng yến truyền thống Thanh Châu – Hội An với họ Hồ từng làm “quản lãnh tam tỉnh yến hộ” từ Quảng Nam vào đến Khánh Hoà dưới triều Nguyễn, chúng tôi mới hiểu được sự gian nan, vất vả của nghề khai thác “vàng trắng” xứ Quảng này.

Mỗi năm chỉ khai thác yến từ 2 – 3 kỳ, mỗi kỳ 4 – 5 ngày nhưng suốt năm phải theo dõi sự thay đổi của đàn chim. Vào đầu mỗi mùa khai thác có từ 10 – 15 người chuẩn bị ghe, thuyền, đồ đựng, tre, sào, dây thừng, chĩa, vợt và cả lương thực thực phẩm “cắm trại” ngay trước hang chỉ có gió, sóng, chim và cái radio bầu bạn. “Nhớ vợ con cồn cào lắm, nhưng chấp nhận “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” mà”. Anh Vân thành thật tâm sự.

Tháng tư là kỳ khai thác đầu tiên, mọi người dùng tre to, dài nối vào nhau thành một giàn khung trong hang, giàn cao có nơi bằng 2 – 3 cây tre ghép lại. Tiếp theo phải leo lên đỉnh hang kiểm tra, phun nước vào vách cho tổ yến mềm ra. Để lấy được tổ phải khéo léo, mạo hiểm treo mình trên mấy chục mét cao, thòng dây đu xuống lòng hang, lách mình qua các khe hẹp dựng đứng, nếu sơ ý là rơi xuống đáy hang sâu hoắm.

Các hang ở đây khai thác được từ 1 – 1,5 tấn tổ/năm, được vệ sinh trước mỗi mùa sinh sản nên môi trường làm tổ sạch sẽ, chất lượng tổ tốt. Trước cửa hang đúc bệ chắn sóng hạn chế tác động mạnh làm rơi tổ, các khe nứt trên vách đá cũng được bịt kín tạo hang nhân tạo, tránh tình trạng nước dột làm ướt tổ, ướt chim và tăng diện tích làm tổ.

Tổ sẽ được làm sạch bằng dao nhọn hoặc nhíp nhặt hết lông, phân chim, rêu và mùn đất bám, sau đó phân thành các hàng căn cứ theo kích thước, màu sắc, khối lượng gồm: huyết, hồng, quan, thiên, bài, địa, vụn. Quý nhất là yến huyết màu đỏ máu, kế đến là yến thiên màu hơi sẫm. Yến sào Hội An có uy tín và cao giá hơn Bình Định, Khánh Hoà và cả Singapore nhờ nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng siêu việt. 1kg yến ở các nơi có từ 100 đến 120 tổ, yến sào Hội An chỉ 60 tổ/kg.

Một điều khá “trớ trêu” là cư dân cù lao Chàm và cả Hội An đang sở hữu nguồn lợi vô giá này nhưng có mấy ai được ăn, ngay cả trong cuốn sách Văn hoá ẩm thực Hội An cũng không thấy nói đến vì 1 lạng yến loại thường thôi đã dao động từ 5 – 7 triệu đồng.

Đặt chân lên hang yến ở đảo Hòn Lao chừng một tiếng đồng hồ, mọi người trở lại tàu rời đảo trong ánh mắt bịn rịn của anh em đội khai thác. “Được tận mắt thấy chim yến làm tổ trong hang là diễm phúc lớn rồi” – nhiều người trong đoàn tham quan tự an ủi mình như vậy.

Nguồn: Báo SGTT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT