"Đánh thức" tiềm năng múa trong cộng đồng
Liên hoan đã quy tụ hơn 400 diễn viên thuộc 18 đoàn nghệ thuật quần chúng trong toàn quốc với hơn 58 tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền rõ rệt.
"Đãi cát, ra… vàng!"
Với 25 huy chương vàng, 25 huy chương bạc, 10 bằng khen, dường như Hội đồng giám khảo liên hoan đã "rất nới" khi trao giải cho các tiết mục múa không chuyên so với các cuộc thi múa chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, phải thừa nhận, liên hoan lần này không chạy theo giải phong trào mà đã thực sự ghi dấu ấn bởi chất lượng các tác phẩm cũng như trình độ của các nghệ nhân, diễn viên múa.
Tại liên hoan đã xuất hiện những tiết mục đáng được "vàng", những diễn viên đạt tiêu chuẩn tốt về hình thể cũng như kỹ thuật. Không chỉ ban giám khảo mà khán giả cũng bị cuốn theo sức hấp dẫn của các tiết mục tham dự của liên hoan.
Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, trưởng ban giám khảo nhận định: "Chúng ta đãi được rất nhiều vàng… Các tác phẩm mang tới liên hoan đã có được những bước tiến về chất lượng nghệ thuật, kĩ thuật biên đạo, được dàn dựng công phu. Khái niệm "nghiệp dư" đã thực sự thay đổi trong suy nghĩ của mọi người, thay vào đó là cảm tình của công chúng đối với nghệ thuật múa.
Một số tác phẩm tham dự liên hoan có tính nghệ thuật cao như: "Đồng đội", "Ký ức đêm Hà Nội" (Đoàn Nghệ thuật quần chúng thành phố Hà Nội), "Kông Co" (Đoàn Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk),…
Biên đạo múa đã... chuyên nghiệp
Có thể thấy, những tiết mục đoạt huy chương vàng được đánh giá cao bởi sự dàn dựng công phu từ ý tưởng, biên đạo, diễn viên cho đến trang phục, đạo cụ.
Trong nhiều năm gần đây, múa phong trào đã thoát khỏi tình trạng dàn dựng lại các tiết mục của nghệ thuật múa chuyên nghiệp mà chủ yếu trình diễn các sáng tác tự biên, tự diễn, ngay nhạc nền cũng được sáng tạo riêng cho từng tác phẩm.
Đây là một bước tiến đáng kể, thể hiện trình độ sáng tạo của các biên đạo múa quần chúng. Bên cạnh đó, những biên đạo múa chuyên nghiệp cũng đã dồn tâm sức, trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật phong trào tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị.
Các tiết mục, chương trình nghệ thuật không chuyên đã góp phần làm sinh động đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân, khơi dậy lòng yêu nghệ thuật và đánh thức nhiều năng khiếu tiềm ẩn trong mỗi người lao động.
Một đặc điểm nổi bật trong nội dung các tác phẩm múa phong trào là tính vùng, miền, tính ngành, nghề khá rõ. Một số tác phẩm tại liên hoan được đánh giá đạt đến yếu tố chuyên nghiệp chính là nhờ đã tập trung vào các chủ đề mang tính đặc trưng riêng của từng vùng, miền này.
Qua từng tác phẩm, đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, vùng, miền được thể hiện rất rõ nét như: "Tiếng chuông ngày mùa", "Chợ núi" (Đoàn Sơn La), "Vui ngày hội cấy" (Đoàn Hà Tĩnh), "Kông Co", "Ngày mùa" (Đoàn Đắk Lắk), "Nhịp xòe rừng Ban" (Đoàn Lai Châu),...
Bên cạnh những mặt mạnh thì liên hoan vẫn bộc lộ một số hạn chế như lạm dụng múa trên nền nhạc điện tử, sử dụng quá nhiều tiếng động và tiết tấu trong tác phẩm, sử dụng một vài tác phẩm âm nhạc và múa chuyên nghiệp đã dàn dựng và đạt giải thưởng cao. Với múa không chuyên thì những hạt sạn đó xem ra cũng dễ được chấp nhận./.