Về An Giang du lịch mùa nước nổi
Tháng 7 âm lịch con nước ngấp nghé bờ ruộng. Săn chuột đồng trở thành một tiết mục hấp dẫn trong tour mùa nước nổi ở vùng thượng nguồn tỉnh An Giang. Có thể nói, tham gia tour này, du khách được trải nghiệm cuộc sống dân dã của người dân sông nước vào mùa nước lên. Theo các cư dân bản địa đi săn chuột, du khách được truyền “bí kíp” nhận biết có chuột đang ở trong hang hay không và làm cách nào để bắt chúng... Vui nhất là những pha rượt đuổi chuột trên bờ đê. Bắt chuột nhưng du khách dễ bị “bắt ếch” vì không quen đi trên đê, chạy trên ruộng. Trượt ngã cú nào cú nấy đau điếng nhưng làm cho khách sảng khoái, thích thú. Dù không bắt được con nào nhưng người bạn đồng hành là dân địa phương luôn giành cho du khách một xâu chuột tươi ngon cho bữa ăn ngay sau đó.
Nghề bắt chuột được “nâng cấp” thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều công ty lữ hành tổ chức nhiều tour mùa nước nổi với các sản phẩm du lịch phong phú, trong đó có săn bắt chuột, giăng lưới, cắm câu, bắt cá. Mùa này, cá về đầy đồng. Tự tay bắt được cá, chế biến ngay cho bữa ăn của mình là điều lý thú đối với hầu hết du khách.
Điểm tham quan thú vị tại An Giang vào mùa nước nổi thường được du khách lựa chọn là rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) và Búng Bình Thiên (huyện An Phú). Lúc này nước ngập trong rừng tràm. Du khách ngồi trên xuồng ba lá chèo chống len lỏi dưới những tán tràm. Ban ngày, nắng khó vượt qua những tán lá tràm soi rọi xuống mặt nước. Nhiệt độ bên ngoài 36-37 độ C nhưng vào trong rừng tràm, du khách vẫn thấy mát rượi. Hệ sinh thái đất ngập nước ở đây rất phong phú, đặc biệt là nơi trú ngụ của những đàn chim lớn. Trên đường đi, du khách dễ dàng gặp những tổ chim trên những nhánh tràm: chim con ríu rít trong tổ. Thỉnh thoảng có vài con chim mẹ bay về mớm mồi cho chim non. Mỗi ngày, sau 5 giờ chiều, hàng ngàn con chim đủ loại bay về rừng trú đậu.
Ngược ra Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên gần 50km là đến một hồ nước trời mênh mông. Đó là Búng Bình Thiên có làng Chăm bao quanh. Búng Bình Thiên là hồ nước tự nhiên, mùa khô mặt nước rộng khoảng 300 ha nhưng đến mùa lũ, diện tích mặt nước tăng hơn 3 lần. Điều đặc biệt là bên ngoài dòng sông Bình Di và các con rạch nước cuộn chảy đục ngầu nhưng trong hồ nước lại trong vắt, mặt nước phẳng như gương, nếu không có những cơn gió thỉnh thoảng lùa qua. Tương truyền rằng, vào thời Tây Sơn, tướng Võ Văn Vương đã đến đây tập luyện binh sĩ. Ông đã cầu xin trời đất có nước ngọt phục vụ binh lính và rút gươm đâm xuống lập đất. Nơi gươm cắm xuống nước phun trào và hình thành một hồ nước rộng lớn. Cái tên Búng Bình Thiên được đặt cho hồ nước khổng lồ này được giữ đến ngày nay. Từ bao đời người Kinh và người Chăm khai thác thủy sản trong hồ quanh năm để sinh sống. Cạnh hồ, có một gốc đa lớn trên trăm năm tuổi, hiện giờ là nơi dừng chân của du khách để ngắm hồ. Vào các ngày lễ hội dân tộc Chăm truyền thống của huyện, mặt hồ trở thành sân khấu nổi cho những điệu múa ap-sa-ra, Ka-tê... uyển chuyển của những cô gái, chàng trai người Chăm...
Cũng trong mùa nước nổi hằng năm, về với An Giang khách còn có dịp xem Lễ hội đua bò của người Khmer Bảy Núi. Lễ hội này diễn ra vào dịp lễ Dolta. Lễ hội này xuất phát từ tục lệ: những nhà có bò sẽ mang bò và cày đến đất nhà chùa để cày ải đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Để không khí lao động hăng hái, các chủ bò rủ nhau cày đua xem đôi bò nào khỏe hơn. Vừa cày làm công quả cho nhà chùa vừa có cuộc đua vui vẻ, ai nấy cũng hưởng ứng. Sau này, đua bò trở thành lễ hội truyền thống của người Khmer An Giang và hiện nay là sản phẩm du lịch độc đáo. Lễ hội diễn ra chỉ trong 1 ngày nhưng thu hút đến trăm ngàn người từ khắp nơi đến cổ vũ...
Lễ hội đua bò Bảy Núi năm nay được tổ chức tại Tịnh Biên vào ngày 18/9/2009. Giải được mở rộng cho nhiều tỉnh ĐBSCL, kể cả người Kinh cũng được tham gia. Các đôi bò sẽ đua vòng loại, chọn những đôi bò mạnh vào vòng trong để tranh các giải nhất, nhì...
Các tour du lịch mùa nước nổi của An Giang luôn thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước...