Hành trang lữ khách

Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi

Cập nhật: 01/09/2009 08:33:20
Số lần đọc: 2751
Đến An Giang vào mùa nước nổi, du khách  luôn  bị quyến rũ bởi khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư – một địa danh nổi tiếng khắp nơi với cảnh đẹp làm say đắm lòng người và quần thể động, thực vật phong phú với hàng trăm chủng loài đang sinh sống. Đây thực sự là một nơi thư giãn lý tưởng của du khách và là chốn nghiên cứu với bao bất ngờ, thú vị cho các nhà khoa học.

Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên có diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm, nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam và được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan vào năm 2005. Thảm thực vật rừng tràm có đến 140 loài, trong đó có đến 79 loài dược liệu. Tuy nhiên, với quần thể thực vật thân gỗ thì  cây tràm chiếm vị trí độc tôn  và quy tụ thành một cánh rừng mênh mông. Vào mùa nước, du khách đi thuyền xuyên rừng tràm sẽ được ngắm cảnh hoa tràm trắng tinh khiết nở bung trong nắng sớm, hương tràm thoảng đưa nhẹ nhàng khiến tinh thần trở nên thư thái, lâng lâng. Đó đây, những loài thủy sinh như sen, súng lung linh trên mặt nước khoe màu rực rỡ, những khóm bông điên điển vàng rập rờn như đàn bướm trên đồng nước…


Cảnh chiều về ở rừng tràm còn lý thú hơn gấp bội, khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần chỉ còn sót lại những sợi tơ vàng óng xuyên qua rừng cây. Đấy cũng là lúc đàn chim trú ngụ trong rừng tràm bắt đầu bay về tổ. Theo ngành Kiểm lâm, nơi đây có hơn 70  chủng, loài và nhiều loài trong số này thuộc nhóm quý hiếm. Không biết cơ man nào là chim, cò !… Chúng xuất hiện dày đặc khu rừng với sinh hoạt tự nhiên như không hề biết đến sự có mặt của con người. Từng bầy, từng bầy bay lên, đáp xuống nhịp nhàng, tiếng líu lo, ríu rít làm xao động cả khu rừng. Thế nhưng, những người quen với cuộc sống nơi đây có một nhận định rất xác đáng: Tuy sống quần thể đông đúc, trên một diện tích mênh mông như thế, nhưng chúng luôn biết đường về “nhà” và chẳng bao giờ nhầm lẫn nơi mình trú ngụ. Điều này quả rất đúng khi thỉnh thoảng khách tham quan chứng kiến những cuộc chiến khẳng định “chủ quyền” trên cây. Trong những tổ chim lúc lỉu, người ta cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh những chú chim non đang háo hức chờ cha, mẹ mớm mồi; hoặc bắt gặp một không gian hạnh phúc khi những đôi uyên ương  âu yếm và rỉa lông, tỉa cánh cho nhau. Hoạt cảnh cứ như một xã hội thu nhỏ và mang màu sắc rất yên bình, như ca ngợi cuộc sống bằng những giai điệu nồng nàn, làm cho khách phương xa bỗng chốc cũng cảm thấy gần gũi với khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Chiều càng xuống sâu, không gian càng bát ngát mênh mông làm cho du khách chợt nghe lòng thương nhớ bâng quơ. Tâm lý ấy được đánh thức khi đêm về bên những chiếc lán bên bìa rừng, tiếng đờn ca tài tử vang lên những giai điệu quê hương réo rắt… Du khách vừa thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon trong một không gian mát rượi gió quê, vừa thả hồn theo những cung nhịp bổng trầm của lời ca tiếng hát.


Nhiều du khách nước ngoài khi có dịp về đây đã hết sức ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp toàn bích của rừng tràm Trà Sư. Họ đã hòa mình một cách rất nhiệt tình vào cuộc sống bình dị nhưng rất đỗi cuốn hút của thiên nhiên. Họ cùng uống rượu làm từ gạo nếp và thưởng thức những món ăn của vùng sông nước và khám phá nét đẹp cùng cái mới lạ ở khu du lịch sinh thái này.


Hãy một lần đưa người thân yêu của bạn đến rừng tràm Trà Sư  với biết bao điều thú vị đang đón chờ, để  có thêm nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc sống! Đây vốn là vùng đất lạ mà quen, bởi con người nơi đây luôn thân thiện và hiếu khách, sẽ mang lại cho bạn một cảm giác như đang dạo chơi trong chính không gian của riêng mình… 

Nguồn: website An Giang

Cùng chuyên mục