Hành trang lữ khách

Vui thú miệt vườn Bình Thủy, Cần Thơ

Cập nhật: 19/08/2009 15:12:13
Số lần đọc: 2606
Bình Thủy là một quận của thành phố Cần Thơ có khá nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Từ Cần Thơ muốn đến Bình Thủy, khách đi về hướng quốc lộ 91 về An Giang chừng 6 km hoặc đi theo lộ Vòng Cung thì xa hơn, nhưng có thể tham quan miệt vườn. Từ chợ Bình Thủy, hương lộ 28 chạy qua các phường Bình Thủy, Long Hòa, Long Tuyền.

Con đường này cũng đưa bạn về với vùng sông nước miệt vườn Bình Thủy. Khách cũng có thể đi tàu du lịch của các công ty du lịch và tư nhân (đậu ở Bến Ninh Kiều) hoặc đi thuyền nhỏ hoặc vỏ lãi len vào những con rạch hai bên xanh um vườn cây ăn trái khiến du khách rất thú vị. Hai bên bờ rạch Bà Bộ, rạch Hàng Bàng, rạch Nước Lạnh là những vườn vú sữa, cam bưởi, xoài, mùa nào thức nấy, trái oằn cây, thấp đến nỗi đi bộ ngang qua có thể với tay hái được. Bình Thủy có một hệ thống sông rạch chi chít, sông liền sông, vườn nối vườn. Các con rạch có nhiều tên nôm na, dân dã như rạch Cam, rạch Chanh, rạch Ông Vựa, rạch Bà Chủ Kiểu, rạch Cái Sơn, rạch Miễu Ông, rạch Bông Vang, rạch Cái Tắc, rạch Chuối... vườn tược xanh tốt, không khí thoáng đãng, sảng khoái.

Đi bộ trên đường làng, qua những cây cầu khỉ cheo leo cũng là một trải nghiệm thú vị với những ai chưa từng biết đến loại cầu thô sơ đặc trưng của ĐBSCL. Giờ đây, những cây cầu khỉ này chỉ còn là mô hình để phục vụ cho du lịch sinh thái, dã ngoại. Người nước ngoài rất thích thú với những cây cầu khỉ bắc qua sông. Họ đi từng đoàn, từng bước cẩn thận vượt qua cầu để vào những khu vườn xinh tươi.

Khu di tích văn hóa lịch sử Vườn Mận thuộc khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, là nơi khách tìm hiểu lịch sử của địa phương trong những năm tháng gian lao của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Xuân Mậu Thân 1968, địa điểm này là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 9, từng ghi dấu bước chân các vị tướng lĩnh, chỉ huy nổi tiếng của quân giải phóng. Tại rạch Ngã Bác, khách sẽ được nghe người dân địa phương kể lại chiến công lừng lẫy và sự hy sinh vô cùng dũng cảm của anh hùng Việt Sơn Nguyễn Văn Bì: đã giả vờ đầu hàng giặc và dẫn bọn chúng vào bãi mìn cùng chết...

Theo hương lộ 28 (lộ Sóng Lươn), qua chợ Miễu Ông ghé Miếu Ông Hổ, bạn sẽ nghe giai thoại về hai “ông Hổ” tranh giành lãnh địa, cả hai đánh nhau đến chết! Hiện trong miếu có bức tranh vẽ “hai ông” đang chiến đấu với nét vẽ dân gian, chân phương sinh động. Ở khu vực này có nhiều quán ăn, trong đó có món “lẩu mắm” rất ngon với tôm cá và rau vườn được đánh bắt, sản xuất tại chỗ. Nơi đây còn có Hợp tác xã nông nghiệp Long Tuyền, một mô hình sản xuất rau quả sạch nổi tiếng của thành phố Cần Thơ. Du lịch điền dã kiểu này khách sẽ có dịp hàn huyên, trao đổi với những người nông dân chân tình và hiếu khách.

Đến với Bình Thủy, nếu không ghé thăm Vườn Lan sẽ là điều rất đáng tiếc. Vườn Lan có ngôi nhà cổ 5 gian gần 140 năm tuổi, nổi tiếng khắp đồng bằng, hiện do ông Dương Minh Hiển, hậu duệ của dòng họ Dương làm chủ nhân. Ngôi nhà này đã góp phần đưa tên tuổi vùng đất “Bình Thủy- Cần Thơ” lên ngôi, vượt biên giới quốc gia đến với bè bạn năm châu. Phim “L amant” (Người tình), do đạo diễn người Pháp J.J Annaud thực hiện, đã sử dụng ngôi nhà cổ này dựng cảnh, quay phim...

Nhà cổ Vườn Lan được xây dựng theo phong cách độc đáo, dung hòa văn hóa Đông – Tây vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 (1870). Nền nhà cổ cao ốp đá hộc, lối đi hai bên, có bao lơn án ngữ với nhiều cửa lá sách ở mặt tiền, vòm mái có phù điêu cùng nhiều hoa văn, họa tiết. Các chi tiết điêu khắc rất tinh xảo nơi đầu kèo, cột, cùng với liễn đối, hoành phi, bao lam, chạm trổ tứ linh (long, lân, qui, phụng) sơn son thếp vàng. Nội thất còn nhiều cổ vật quý. Nhà cổ Vườn Lan là một trong những dấu vết của quá khứ tồn tại đã gần một thế kỷ rưỡi, gợi nhớ thủa cha ông ta đi khai mở đất phương Nam. Trong sân vườn có một cây xương rồng cao gần 8m, gọi là “Kim lăng trụ” nổi bật và gây ấn tượng...

Quận Bình Thủy còn có đình Bình Thủy và nhiều di tích văn hóa vật thể, giàu tiềm năng du lịch sinh thái, có thể góp mặt vào du lịch TP.Cần Thơ và ĐBSCL. Với môi trường xanh, sạch, đẹp cùng với việc bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống, Bình Thủy có một sắc thái riêng, độc đáo và hấp dẫn. Mong rằng một ngày không xa, thăm Làng cổ Long Tuyền – sông nước miệt vườn Bình Thủy sẽ nằm trong danh mục và điểm phải đến của các tour trong và ngoài nước khi đến ĐBSCL.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục