Hành trang lữ khách

Lên núi du lịch với xe ba càng

Cập nhật: 14/09/2009 09:09:53
Số lần đọc: 2332
Đoàn xe 4 chiếc side-car (xe 3 càng), do ông Balland Claude, Giám đốc khách sạn Victoria Hội An - người đam mê sưu tầm xe cổ, dẫn đầu rời Cửa Đại lên đường đi Tây Giang trong một buổi sáng đẹp trời vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Đây là chuyến khảo sát tuyến du lịch đầu tiên của ông đến miền biên giới này.

Trên mỗi chiếc xe 3 càng chở 2 người và 1 người lái. Một chiếc xe du lịch 16 chỗ đi sau cùng, chở theo thức uống, các phụ tùng thay thế cho 4 chiếc xe “cổ kính” và cũng là phương tiện hỗ trợ nếu có trục trặc trên hành trình. Đoàn lữ hành gồm giám đốc, các trưởng bộ phận công tác của khách sạn lần đầu tiên lên núi, xuất phát từ Hội An vượt Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang đến Tây Giang. Rất nhiều người trong đoàn chưa một lần nào ngồi xe 3 càng vượt đoạn đường dài gần 150km, qua những làng quê với những cánh đồng lúa, những nương dâu xanh mượt ven sông Thu Bồn thơ mộng; qua những bản làng; những thủy điện A Vương, Za hung; những đoạn đường huyền thoại trên đường Hồ Chí Minh.

 

Suốt chặng đường dài đoàn khách đi qua, những em bé, cụ già, những người dân trên đường đi thật hồn nhiên, thân thiện. Họ ngạc nhiên khi nhìn thấy nhóm ông Tây cưỡi xe 3 càng đi qua. Thật vui khi thỉnh thoảng nghe tiếng “hello” từ những em bé rạng rỡ nụ cười vẫy những bàn tay nhỏ xíu chào đón khách la. 

 

Trong buổi tiếp những người khách từ Hội An, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Nguyễn Hữu Sáng và Chủ tịch UBND huyện Briu Liếc bày tỏ niềm vui bởi đây là đoàn khách mà huyện trông đợi từ lâu. Chính lãnh đạo huyện Tây Giang đã tìm đến tận khách sạn Victoria Hội An, gặp trực tiếp giám đốc để chuyển một lời mời chân thành.

 

Tây Giang có thế mạnh riêng mà không nơi nào có được. Huyện có đoạn đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại nguyên sơ dài 18km, từ A Tép đến cột mốc biên giới Việt - Lào. Trên đoạn đường đó, ở khu vực A Xờ, người ta còn tìm thấy một vài địa đạo cũ thời chiến tranh chống Mỹ, dấu tích của một quãng thời gian ác liệt và oai hùng nay đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

Buổi tối, cả đoàn có cuộc giao lưu với nhân dân thôn A Vàng. Đêm đó, tại gươl giữa làng mọi người cùng hát cho nhau nghe bằng tiếng Cơtu, tiếng Việt và bằng cả tiếng Anh. Những câu chuyện kể về lịch sử dựng gươl, về tập quán, cuộc sống của dân làng đã làm khách thích thú. Đoàn đi gồm khách đến từ Pháp, Thụy sĩ, Philippines và các vùng miền trong nước trải qua một đêm trong gươl đầy ấn tượng. Ông Claude đã trao 1 triệu đồng cho anh Hòa trưởng thôn A Vàng để mua sách vở cho các cháu vào năm học mới. Cô gái Aurelie người Thụy Sĩ duyên dáng với mái tóc vàng óng ánh nói với ông Briu Liếc: “Tây Giang làm cho tôi thú vị vì sự mộc mạc, hoang sơ của mình. Bên cạnh sự phát triển những công trình, các ông hãy giữ cho vùng đất này sự thanh bình và tự nhiên của con người và thiên nhiên”.

 

Bếp lửa hồng giữa guơl gây một cảm giác lạ. Các món nướng trong ống tre như gà nướng, thịt heo nướng, cơm lam có thể được thực hiện trước mặt khách, nghĩa là để cho khách tự nướng trên lửa hồng. Đêm, bên bếp lửa hồng trong gươl, những câu chuyện về đồng bào Cơtu giữ đất, dựng làng đến những điệu hát múa bằng tiếng dân tộc đã thật sự kéo du khách hòa mình trong một không gian sôi động của núi rừng. Hy vọng sắp tới sẽ có những đoàn khách nước ngoài đến Tây Giang bằng xe 3 càng do ông Balland Claude phối hợp với địa phương thực hiện.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục