Non nước Việt Nam

Huyền bí Mỹ Sơn - Quảng Nam

Cập nhật: 16/09/2009 11:09:54
Số lần đọc: 1979
Không quá đồ sộ, kỳ vĩ nhưng Mỹ Sơn vẫn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á. Vì thế mỗi năm, nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu.

Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, nằm cách Hội An 45 km về phía Tây, cách trung tâm TP Đà Nẵng 70 km về phía Tây Nam. Khu thánh địa này là một tập hợp những tòa tháp cổ của người Champa, nơi có không gian lý tưởng cho các nghi thức tôn giáo. Tháng 12/1999, cùng với đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa thế giới.

 

Người Champa có mặt rải rác ở nhiều nơi, từ Trung và Nam bộ lên đến Tây Nguyên. Khu di tích Mỹ Sơn là một trong số vùng họ từng sinh sống tập trung và nơi này được đặt giả thiết là trung tâm văn hóa, tôn giáo của người họ. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.


Năm 1898, một người Pháp tên là M.C Paris đã phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm rạp. Sau đó không lâu, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở đây. Cũng chính họ đã vén lên bức màn bí mật về thánh địa này và cho thấy, đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ, đặc trưng nhất của người Champa, xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm.

 

 

  

Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman 3 (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông,  phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông - Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.

 

Những tòa tháp nguy nga tráng lệ xưa kia, sau chiến tranh và sự phá hủy của thời gian, nay đã không còn nữa. Đến nay, Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Tuy nhiên, tất cả tài liệu bia ký, kết quả khảo cổ, dấu tích vật chất còn lưu lại tại đây và một số bảo tàng trong nước như bảo tàng Champa Đà Nẵng, bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh... cũng đủ làm người ta thán phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Champa cổ.


Theo các nhà nghiên cứu của văn hóa nghệ thuật Việt Nam và nước ngoài, Mỹ Sơn hàm chứa sáu phong cách được định danh theo quy chuẩn của kiến trúc Mỹ Sơn. Trong đó, các công trình xây vào thế kỷ 10 được xem là đỉnh cao. Đăc biệt, đến nay, kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu và đam mê khám phá của các nhà khoa học. Các lớp gạch đá xây dựng ở khu di tích được người Champa xây hầu như không thấy mạch vữa, mà vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Có người cho rằng người Champa đã dùng nhựa cây đốt lên, có người thì nói họ dùng lá cây nghiền ra bôi vào sau đó để cho khô rồi xây tiếp… Nhưng tới nay vẫn chưa có những kết luận chính xác.

 

Có lẽ vì thế, Mỹ Sơn - vùng đất Thánh, vẫn đứng đó, uy nghi mà huyền bí, khiến tất cả những ai đã đến đây, khi ra về đều mang theo mình những câu hỏi “vì sao?” xung quanh công trình tôn giáo kỳ vĩ, độc nhất vô nhị này.

Nguồn: Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT