Non nước Việt Nam

Phong phú Vườn chim Bạc Liêu

Cập nhật: 13/10/2009 10:10:58
Số lần đọc: 2000
Vườn chim Bạc Liêu nằm trên địa phận phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, cách thị xã khoảng 6 km về phía đông và cách biển Bạc Liêu 6 km về hướng bắc. Đây là vườn chim có nhiều loài chim đến cư trú và sinh sản với số lượng cá thể lớn nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm, lúc đó là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng, với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên. Vườn chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven biển đông.

Năm 1986, vườn chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Năm 1989 thị xã Bạc Liêu lập dự án rồi tiến hành đào ao tạo ra vùng đầm lầy cư trú để tăng cường tính đa dạng sinh học của các loài chim, trồng nhiều loại cây ngập nước thích hợp, phát triển rừng để chim về làm tổ, xây dựng các chòi quan sát, bảo vệ, chăm sóc vườn chim và tiến hành nghiên cứu đặc tính sinh lý các loài chim...

Năm 1996, UBND tỉnh bạc Liêu cấp 200 triệu đồng cho vườn chim để đào đê bao ngăn xung quanh 130 ha, đào ao nước mặn và nước ngọt cũng như hệ thống kênh mương với mục đích tạo lại vùng sinh thái ngập nước quanh năm để tôm cá sinh sôi làm mồi cho chim... Hơn 10 năm được triển khai nhiều dự án nghiên cứu và thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, vườn chim Bạc Liêu dần dần trở lại vẻ nguyên sơ của nó, từ đó đã thu hút được nhiều loài chim di cư về đây. Vườn chim Bạc Liêu tuy quy mô diện tích không lớn nhưng có số lượng, thành phần loài và quần thể chim hoang dã chiếm tỷ lệ rất cao, với 78 loài chim, trong đó có 25 loài chim nước làm tổ sinh sản tại vườn chim, có 4 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam là giang sen đuôi cụt bụng đỏ, bồ nông chân xám.... Để thực hiện tốt việc bảo tồn sự đa dạng sinh học của vườn chim, Ban quản lý vườn chim thường xuyên theo dõi diễn biến của hệ sinh thái trong vườn chim, đề ra nhiều biện pháp bảo tồn sự ổn định và phát triển của các quần thể sinh vật.
Những năm gần đây, để giữ được chim trong mùa nắng hạn, Ban quản lý vườn chim Bạc Liêu đã cho đào kênh bao bọc xung quanh và hồ chứa nước ngọt ở bìa rừng, đào mương nuôi cá nhằm tạo nguồn nước và nguồn thức ăn cho các loài chim. Từ đó, quần thể chim tụ tập đông dần lên, xây tổ uyên ương, sinh sôi nảy nở, khiến vườn chim Bạc Liêu ngày thêm nhộn nhịp cùng sự có mặt của hàng chục loài động vật khác, như: chồn, rái cá, các loại rắn, sóc, thỏ ... Dưới nước thì có một số loài cá nước ngọt và cả loài cá nước mặn như: tôm, cua, cá... đã làm phong phú thêm quần thể động vật dưới chân rừng và thực phẩm cho chim.
Hệ sinh thái rừng vườn chim Bạc Liêu là trạng thái rừng ngập mặn tự nhiên rất đa dạng và phong phú. Thảm thực vật hiện tại của Vườn chim có 13 quần xã thực vật khác nhau, gồm: 181 loài thực vật bậc cao, thuộc 145 chi của 60 họ; trong đó có 23 loài đại diện cho hệ thực vật rừng ngập mặn, 16 loài cây tham gia rừng ngập mặn (cây thích nghi với môi trường nước lợ) đại diện cho rừng ngập mặn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cây rừng ngặp mặn chiếm phần lớn là chà là, cóc, giá…

Nhận thấy tầm quan trọng của vườn chim Bạc Liêu trong hệ thống bảo tồn sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, của cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu đã có những đầu tư đáng kể về vật chất, cơ sở hạ tầng và những cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia.

Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học vườn chim Bạc Liêu mang tính bền vững, thì việc bảo vệ rừng có vai trò quyết định. Thời gian qua Ban quản lý vườn chim đã phối hợp với Chi Cục kiểm lâm tỉnh đề ra nhiều biện pháp cụ thể để bảo vệ tài nguyên rừng trong vườn chim. Ông Nguyễn Hoàng Thới - Trưởng Trạm kiểm lâm vườn chim Bạc Liêu cho biết: Nhờ làm tốt công tác phối hợp, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân xung quanh khu vực trong việc tham gia bảo vệ vườn chim. Người dân ngày thấy được tầm quan trong của vườn chim gắn với  việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Thời gian qua, Ban quản lý vườn chim đã tích cực xây dựng, củng cố hàng rào, trồng tre xung quanh vành đai vườn chim, đào mương giữ nước phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô, xây dựng và luyện tập lực lượng cứu hoả. Đặc biệt, là duy trì đội tuần tra bảo vệ nghiêm ngặt, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm xâm hại vườn chim, góp phần giữ vững sự, ổn định môi trường bên trong của vườn chim.  

Tin vui đối với vườn chim Bạc Liêu trong tháng 9 vừa qua, Tổ chức hợp tác kỹ thuật của Cộng Hoà Liên bang Đức (tổ chức GTZ) đã phối hợp với Ban giám đốc vườn chim triển khai “Dự án công trình nghiên cứu đa dạng sinh học vườn chim Bạc Liêu”.

Nội dung của dự án công trình nghiên cứu tập trung vào việc bảo tồn đa dạng sinh học vườn chim Bạc Liêu, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng rừng và đất rừng của người dân địa phương, tăng cường thể chế quản lý của các ngành chức năng trong việc bảo vệ vùng sinh thái rừng ven biển. Tổng kinh phí cho dự án này là 1.600.000 Euro do Chính phủ công hoà Liên bang Đức tài trợ và tỉnh Bạc Liêu đảm bảo ngân sách đối ứng cho hoạt động dự án bằng 10% để hỗ trợ kỹ thuật. Tổ chức GTZ sẽ cung cấp chuyên gia khoa học hợp tác cùng với chuyên gia Việt Nam để nghiên cứu thực hiện dự án trong 2 năm (từ tháng 9/2009 -  9/2011). Dự án hoàn thành sẽ khôi phục hệ thống rừng ven biển và đa dạng sinh học vườn chim Bạc Liêu.

Với những giá trị về mặt tài nguyên sinh học, vườn chim không chỉ có giá trị to lớn về mặt bảo tồn phục vụ nghiên cứu khoa học mà còn là địa điểm du lịch hấp dẫn, là nơi để người dân địa phương cũng như các khu vực khác có thể tham quan, tìm hiểu về đời sống của các loài chim sinh sống ở đây. Qua đó giúp người dân hiểu biết thêm về đời sống hoang dã của các loài, đây cũng là nơi để giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.



 

Nguồn: Website Bạc Liêu

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT