Tin tức - Sự kiện

Khôi phục và phát huy giá trị làng nghề Hà Tây để phát triển du lịch

Cập nhật: 13/05/2008 14:05:44
Số lần đọc: 1812
Hà Tây là đất “trăm nghề” vốn nổi tiếng từ lâu đời với những sản phẩm độc đáo. Chính vì vậy, việc khôi phục và phát huy giá trị làng nghề ở Hà Tây chẳng những giúp cho địa phương khai thác và phát triển hơn nữa du lịch của mình mà còn quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Từ năm 2001 tới nay, lượng khách du lịch tới Hà Tây tăng khá nhanh từ 1,55 triệu lượt khách (năm 2001) lên 3,9 triệu lượt (năm 2007); doanh thu từ 162,82 tỷ đồng (năm 2001) lên 495 tỷ đồng (năm 2007). Các hoạt động của ngành du lịch đã đóng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có được kết quả trên, phải kể tới những tiềm năng khá lớn của địa phương để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần, vui chơi giải trí, tham quan di tích lịch sử lễ hội truyền thống và đặc biệt Hà Tây còn có thế mạnh để xây dựng loại hình du lịch làng nghề.

Với 29 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như: dệt lụa, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, khảm trai…, năm 2007 giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Tây chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh.

Hiện nay, Hà Tây có 240 làng đạt tiêu chí làng nghề và có khoảng 80.000 hộ sản xuất trong đó có khoảng 10 làng nghề thường xuyên có khách du lịch đến thăm, trong đó có một số làng nghề đón lượng khách khá lớn như: lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, tạc tượng Sơn Đồng. Theo Sở Du lịch Hà Tây, năm 2007 ước tính có khoảng 350.000 lượt khách tham quan các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Riêng làng lụa Vạn Phúc, mỗi năm cũng đón trên 100.000 lượt khách tới thăm quan, mua sắm trong đó khoảng 1/5 là khách quốc tế. Hiện nay, ở đây có khoảng gần 100 ki-ốt bán hàng đồ lụa: vải vóc, quần áo, túi, và nhiều món quà lưu niệm khác. Khách hàng rất ưa thích sản phẩm lụa của Vạn Phúc và hoạt động từ du lịch đem lại doanh thu hàng năm lên tới 50 tỷ đồng cho người dân ở đây, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động.

Trong những năm qua, Hà Tây luôn xác định phát triển du lịch làng nghề là một hướng đi quan trọng nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch của địa phương. Trong thời gian tới, địa phương cũng cần phải có những kế hoạch, những giải pháp để khai thác tốt hơn nữa thế mạnh này.

Từ thực tế trong thời gian qua, ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây cho rằng, trước hết cần phải hoàn thiện quy hoạch, tăng cường đầu tư để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề phục vụ hoạt động du lịch.

Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền quảng bá du lịch làng nghề tới khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế. Trong thời gian qua, Hà Tây cũng rất chú trọng tới hoạt động này. Hiện địa phương đã tiến hành xây dựng được 23 biển chỉ dẫn, biển báo tại 23 làng nghề, giới thiệu làng nghề trên trang Web của ngành đồng thời tổ chức cho các nghệ nhân làng nghề tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu những đặc trưng, đặc sắc về sản phẩm của mình.

Thứ ba, phải tăng cường đào tạo cho cán bộ và nhân dân địa phương về định hướng phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch. Việc làm này rất cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác giá trị kinh tế cũng như giữ gìn những làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên để du lịch làng nghề thật sự phát triển thì cần phải có sự liên kết với các hãng lữ hành để mở các tour đưa khách tới đây hoặc đẩy mạnh sự liên kết với các điểm du lịch khác trên địa bàn.

Hiện nay, tại các làng nghề hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hoạt động thủ công hoặc áp dụng những máy móc thô sơ nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi, nếu các địa phương có làng nghề và đặc biệt là có hướng phát triển du lịch làng nghề cần đặc biệt quan tâm để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Được biết, từ năm 2005 tới nay, ngành du lịch Hà Tây đã thu hút được gần 20 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký trên 7.000 tỷ đồng vào các khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí. Việc phát triển các điểm du lịch ở Hà Tây sẽ ngày càng thu hút đông du khách tới tham quan hơn nữa và sự đa dạng hóa trong các sản phẩm du lịch cũng như sự liên kết trong các sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch lễ hội truyền thống, du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch làng nghề…) của Hà Tây sẽ góp phần đưa du lịch Hà Tây ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nguồn: Website đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT