Ngày 14/5/2008: Khai mạc Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam
Sáng ngày (8/5), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc không chỉ là một Lễ hội văn hoá tôn giáo tầm cỡ quốc tế được Liên Hợp Quốc công nhận và cổ suý mà còn là dịp để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, cũng như Phật tử Việt Nam với Phật tử khu vực và trên thế giới. Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc còn là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hoá, cơ hội giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hoá các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.
Chủ đề chính của Đại lễ là “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại Lễ sẽ được khai mạc ngày 14/5 và bế mạc chiều 16/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Trong ngày khai mạc sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc; Diễn văn khai mạc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc; thuyết trình Phật giáo với vấn đề công bằng, dân chủ và vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh; xây dựng thế giới hoà bình, an lạc. Trong những ngày diễn ra Đại lễ, sẽ có các cuộc hội thảo chuyên đề nhóm, thảo luận mở, chuyên đề đặc biệt “Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số”...
Theo ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng tiểu ban Tuyên truyền Đại lễ, cần tuyên truyền sâu rộng để quần chúng nhân dân có những nhận thức đúng đắn về Đại lễ, qua đó có những hành động thiết thực, tích cực tham gia hưởng ứng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; đề cao những giá trị nhân bản và hoà bình của đạo Phật nói chung, đồng thời phản ánh kịp thời những đóng góp, cống hiến của Phật giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ gìn, bảo vệ hoà bình, qua đó đề cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới...
Dự kiến, sẽ có khoảng trên 3.000 đại biểu của trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ này.