Tin tức - Sự kiện

Lào Cai: Chú trọng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Cập nhật: 07/05/2008 10:05:16
Số lần đọc: 1565
Trong những năm qua, Lào Cai đã nỗ lực tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư tưởng, đạo đức lối sống của nhân dân, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Đồng thời từng bước nâng cao đời sống văn hoá - xã hội; đề cao giá trị đạo đức, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tạo nên sức lan toả thông qua các phong trào: "Thi đua yêu nước", "Ðền ơn đáp nghĩa"; "Xóa đói, giảm nghèo", "khuyến học, khuyến tài", bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường... cho từng người dân, từng ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Điều đáng phấn khởi, trong những năm gần đây, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở tỉnh ta đã được các ngành, đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Văn hoá, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên, Công an... phối hợp thực hiện khá hiệu quả. Việc xây dựng "Thôn, bản văn hóa","Tổ dân phố văn hóa", "Khu dân cư không có tệ nạn xã hội", nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trở thành tâm điểm cho tiêu chí bình chọn thi đua. Đồng thời chú trọng xây dựng gia đình văn hóa kết hợp các phong trào xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với việc bảo tồn và phát huy vốn văn hoá của các dân tộc... Mỗi gia đình văn hóa là nòng cốt trong việc thực hiện hương ước, quy ước xây dựng làng, thôn, bản, khu phố... nên đã tạo được động lực hấp dẫn phong trào, cuốn hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

 

Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa cũng được thực hiện nghiêm túc, tránh qua loa, chạy theo thành tích, vì bình xét đúng mới có tác dụng nêu gương; bình xét dễ dãi, không đúng tiêu chuẩn sẽ làm mất giá trị của danh hiệu, thậm chí phản tác dụng. Năm 2007, toàn tỉnh có trên 68% số hộ được công nhận danh hiệu: Gia đình văn hoá; 80% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận danh hiệu: Cơ quan văn hoá và khu vực nông thôn có gần 36% thôn, bản được công nhận: Làng văn hoá.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ cũng cần phải nhìn thẳng vào hiện thực: Phong trào còn mang nặng tính hình thức, nhiều nội dung chưa thật sát thực với đời sống hôm nay. Mỗi một giai đoạn, thời đại cần có những tiêu chí phù hợp. Chẳng hạn như giai đoạn hiện nay, khát vọng lớn nhất của nhân dân ta là thoát khỏi đói nghèo, xây dựng đất nước giàu mạnh, mọi người bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Nội dung xây dựng gia đình văn hóa phải thể hiện được khát vọng đó.

 

Chính vì vậy, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy tinh hoa của gia đình truyền thống như hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em hòa thuận... để phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển có chiều sâu và hiệu quả thiết thực hơn, cần phải có những tiêu chí sát thực trong tình hình mới. Những tiêu chí cơ bản về Gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng là: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

 

Từ những định hướng trên cho thấy: Mỗi địa phương cần vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, trình độ dân trí, dân tộc... Nội dung càng cụ thể, càng sát với đời sống nhân dân thì hiệu quả càng cao. Mỗi người, mỗi gia đình cần thể hiện lòng yêu nước của mình ở ý thức vươn lên trong học tập, công tác, lao động nắm bắt tri thức khoa học công nghệ để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhanh chóng thoát nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng. Khuyến khích sự làm giàu bằng sức lao động và trí tuệ của mỗi người, mỗi gia đình nhưng không phải bằng bất cứ mọi giá. Xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở gia đình truyền thống làm nền tảng, từ đó tiếp thụ những yếu tố tiên tiến của thời hiện đại, chính là bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong cuộc sống mới. Các gia đình có trách nhiệm vun đắp nhiều tài năng cho đất nước trên mọi lĩnh vực.

 

Bên cạnh đó, cần phải bài xích lối sống tôn thờ đồng tiền, làm đảo lộn thang giá trị đạo đức của gia đình. Ðạo hiếu được đặc biệt coi trọng như là cốt lõi của lối sống đạo đức gia đình. Bởi những người không có hiếu với gia đình thì cũng không thể có hiếu với dân, với nước.
Nguồn: Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT