Chiêm Hóa (Tuyên Quang) giàu tiềm năng phát triển du lịch
Địa hình đồi núi đã tạo ra nhiều thắng cảnh tự nhiên như: Thác Bản Ba, xã Trung Hà; thác Tát Lụa, xã Hòa Phú; hang Thẳm Vài, Thẳm Hốc, Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn; hang núi Chùa, Mỏ Bài, xã Minh Quang... Trong hơn 9 vạn ha rừng, huyện có trên 9.000 ha rừng đặc dụng ở các xã Kim Bình, Hòa Phú, Hà Lang, Trung Hà với nhiều loài cây cổ thụ, động vật hoang dã quý hiếm, có thể mở các tour du lịch sinh thái, tham quan ấn tượng.
Không chỉ có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, Chiêm Hóa còn là mảnh đất anh hùng với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Khu di tích lịch sử Kim Bình - nơi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11 đến 19/02/1951; tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc từ thời nhà Lý ở thôn Vĩnh Khoái, xã Yên Nguyên; di tích Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư pháp tại xã Xuân Quang; Ban Tuyên huấn Trung ương, Nhà xuất bản Sự Thật ở xã Kiên Đài; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng chân tại thôn Pác Hóp, xã Linh Phú...
Giữa các vùng đồi núi là những thung lũng màu mỡ, nơi sinh sống của 22 dân tộc anh em trong huyện. Nơi đây, bà con các dân tộc đã biết canh tác, chế biến ra những đặc sản độc đáo, như gạo nếp nương của người Dao, gạo nếp cái hoa vàng của người Tày, bánh gai, rượu nếp cái, rượu hoẵng, rượu chuối, rượu báng, rượu đao, mắm cá chép ruộng, cơm lam, xôi bảy màu... Chiêm Hóa cũng là vùng đất nổi tiếng với những điệu hát then, hát lượn, là quê hương của nhạc sỹ Tăng Thình, tác giả bài hát "Tiếng đàn then" gây xúc động đồng bào cả nước. Chiêm Hóa cũng là vùng đất nổi tiếng có các ngôi nhà sàn đẹp vào bậc nhất, hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ bề thế ở Tri Phú, Linh Phú... Du khách cũng sẽ được thăm những vùng nông sản hàng hóa của huyện như vựa lạc trên 2.600 ha tại các xã thượng huyện: Phúc Sơn, Minh Quang, Thổ Bình; thăm vùng mía ngọt, cách nấu mật mía thủ công của người dân xã Vinh Quang, thăm cánh đồng ớt xuất khẩu của Yên Nguyên; làng nghề mây tre đan của bà con xã Trung Hà; thăm các nghệ nhân chế tác gỗ lũa gù hương tại thị trấn Vĩnh Lộc...
Đánh thức tiềm năng, thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các tour, tuyến du lịch; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia mở dịch vụ du lịch tại gia đình, thôn bản; khôi phục các loại hình văn hóa đặc trưng của dân tộc, sản xuất sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Huyện cũng đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên du lịch, tổ chức tập huấn cho các trưởng thôn bản, các đoàn thể, đội văn nghệ các xã có triển vọng làm du lịch.